Theo BS Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ, phổ biến thứ 2 sau ung thư vú.
Ung thư khi còn trẻ
Bệnh nhân Nguyễn Thị C.Ng. (SN 1989, Vĩnh Long) vừa kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm PAP – Smear để tầm soát ung thư cổ tử cung. Kết quả, bệnh nhân bị dị sản tế bào cổ tử cung độ 3 (CIN 3), tức là tổn thương tiền ung thư và nhiễm HPV (virus gây u nhú ở người) tuýp 16.
Chị Ng. được đưa vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Các bác sĩ khoét chóp tử cung. Theo kết quả giải phẫu bệnh sau khoét chóp, bệnh nhân bị carcinom tế bào gai xâm lấn của cổ tử cung. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung tận gốc.
Tuy nhiên bệnh nhân chia sẻ chị vừa mới 28 tuổi chưa chồng và tha thiết muốn có con. Các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành cắt tử cung bảo tồn.
Bác sĩ Tiến cho biết gần đây ung thư cổ tử cung có xu hướng trẻ hóa. Khoa Ngoại 1 tiếp nhận nhiều trường hợp chưa lập gia đình, chưa có con cũng rất nhiều và đa số đều liên quan tới virus HPV.
Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Với tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh được chữa khỏi gần 100% nếu phát hiện sớm.
Thủ phạm hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV. Những người có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất là phụ nữ quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi), hoặc quan hệ với nhiều người.
Phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây qua đường tình dục… đều dễ mắc bệnh. Bên canh đó còn phải kể đến một số yếu tố khác như: Vệ sinh kém, thực phẩm nghèo chất dinh dưỡng…
4 bước sàng lọc
Theo bác sĩ Tiến, với chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục thì nên sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên. Hiện có các biện pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung sau:
Phết tế bào cổ tử cung: Đây là xét nghiệm nhanh, đơn giản, không đau để tìm tế bào bất thường ở bề mặt cổ tử cung. Xét nghiệm này có thể phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh để can thiệp kịp thời. Tuy nhiên Pap smear đơn thuần dễ bỏ sót vì tỷ lệ âm tính giả cao, không phát hiện được nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư.
Pap smear khó tầm soát ung thư biểu mô tuyến. Có đến 33% ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bình thường.
Xét nghiệm DNA HPV: Trên thị trường có rất nhiều loại xét nghiệm tầm soát nhiễm HPV, từ loại chỉ đơn thuần phát hiện có nhiễm HPV đến những loại phát hiện được các týp nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Độ nhạy của các xét nghiệm tìm DNA HPV lên tới 90-95%. Điểm đáng chú ý là có thể phát hiện nhiễm HPV trước khi có những biểu hiện bất thường trên tế bào. Những đối tượng nhiễm HPV sẽ được theo dõi chặt chẽ nhờ đó sẽ được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm hơn.
Soi cổ tử cung: Là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, được thực hiện khi cổ tử cung có tổn thương bất thường hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi. Khi soi người ta sử dụng bằng máy soi có độ phóng đạ 10-30 lần, có thể nối với tivi để xem, nối với máy vi tính để lưu hình ảnh và in ra thành bức ảnh để làm bằng chứng cho bệnh nhân thấy hoặc được lưu lại để theo dõi sau này.
Sinh thiết cổ tử cung: Theo bác sĩ Tiến sinh thiết là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả. Người ta thực hiện bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.