Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra, có đến 70- 80% ung thư phát sinh liên quan đến ăn uống và môi trường sống. Và đây là những loại ung thư dễ gặp nhất nhưng thường lại hay chủ quan.
Một số loại ung thư dễ gặp nhất
Việt Nam là một trong số nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên thế giới (thuộc nhóm 2). Ngoài căn bệnh ung thư máu mà MC Diệu Linh mới đây chia sẻ mắc phải đang điều trị, còn có rất nhiều các loại ung thư khác mà người dân hay gặp.
Theo PGS.TS Mai Xuân Khẩn (Bệnh viện Quân y 103) bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Ở nam giới mắc ung thư nhiều hơn cả là phổi và tử vong hàng đầu, theo sau là dạ dày, gan, đại trực tràng. Còn ở nữ giới, ung thư vú, dạ dày, phổi nhiều hơn.
Nguyên nhân dẫn tới ung thư có thể từ tình trạng stress kéo dài. Stress tiết hocmon epinephrine và norepinephrine dẫn đến tăng nhịp tim, huyết áp, nồng độ đường trong máu. Cùng với đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, khói bụi và nhất là những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất, nghiện thuốc lá… nguy cơ cao hơn mắc ung thư như ung thư phổi, bàng quang, dạ dày, gan… Các loại ung thư này cũng do chế độ ăn uống không lành mạnh, không khoa học như thường xuyên ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều thịt động vật, fastfood, đồ hộp, …
GS.TS Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K cũng cho rằng, tùy theo mỗi loại ung thư sẽ có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn ung thư xuất phát từ môi trường sống, lối sống không hợp vệ sinh ngoài những yếu tố khó kiểm soát có thể dẫn tới ung thư như gen di truyền…
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cũng đã chỉ ra, có đến 70 – 80% ung thư phát sinh liên quan tới ăn uống và môi trường sống, trong khi bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể con người chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân dẫn tới nhiều loại ung thư nhất là hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý…
PGS.TS Mai Xuân Khẩn đã chỉ ra một số bệnh ung thư dễ gặp nhất từ ăn uống và môi trường:
+ Ung thư phổi
Ung thư phổi chiếm khoảng 12,4% các loại ung thư khác, là loại phổ biến nhất ở Việt Nam. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ở nam cao hơn nữ giới, cứ 12 nam có 4 – 10 nữ, với tỉ lệ nam khoảng 29,6/100.000 người và nữ 7,3/100.000 người. Tỉ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ là 6% và ung thư phổi không tế bào nhỏ là 18%.
+ Ung thư đại tràng
Thống kê mới nhất cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư đại tràng ở những người trên 50 tuổi đang có dấu hiệu giảm và nhóm người từ 20-49 tuổi mắc bệnh ngày càng gia tăng.
+ Ung thư dạ dày
Đây là loại ung thư đứng thứ 4 chỉ sau ung thư phối, ung thư vú, ung thư đại tràng… Mỗi năm có thêm 15 – 20.000 người mắc mới, tỷ lệ tử vong chiếm 10,4%, sau ung thư phổi (17,8%). 75% bệnh nhân đi khám đã ở giai đoạn cuối.
+ Ung thư gan
Mỗi năm nước ta có khoảng hơn 10.000 trường hợp mắc mới. Tỷ lệ này thuộc nhóm cao thế giới, trong đó 90% bệnh nhân có u gan bị viêm gan B hoặc C.
Thay đổi lối sống để phòng ung thư
Các chuyên gia cho rằng, dù bệnh ung thư nguy hiểm nhưng không phải là không điều trị được. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm ung thư vì có những loại tỷ lệ khỏi rất cao khi được phát hiện, điều trị kịp thời. Chẳng hạn với ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 44,5%. Ở giai đoạn cuối, ung thư phổi tiên lượng chỉ còn khoảng vài tháng.
Hay như đã có rất nhiều người mắc ung thư dạ dày được điều trị khỏi nhờ phát hiện giai đoạn sớm. Bởi vậy khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, tức bụng, sụt cân, đi ngoài phân có máu… nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
Mọi người cần ý thức được việc khám tầm soát phát hiện sớm bệnh sớm. Tầm soát phải thường xuyên và đúng cách mới có hiệu quả. Mọi người cần khám sức khỏe, xét nghiệm các Marker ung thư định kỳ 6 tháng, 1 năm/lần, chụp CLVT lồng ngực định kỳ, siêu âm ổ bụng…
Để phòng tránh bệnh, GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyến cáo, người dân cần thay đổi lối sống. Cần lưu ý từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích, đồ ăn hun khói, nướng, chiên… Mọi người cũng cần tránh ăn đồ mặn vì có nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày kết hợp tạo thành chất độc nguy cơ gây ung thư. Đồng thời tăng cường luyện tập thể thao thường xuyên, tránh căng thẳng, stress. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ, tránh béo phì…