Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong đã có những phát hiện mới về vật chủ đầu tiên mang virus SARS-CoV-2.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc), virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 có thể có nguồn gốc từ loài dơi được tìm thấy ở châu Á.
Khoa Vi sinh học thuộc trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã tạo được một nhóm tế bào giống như ruột của loài dơi móng ngựa được tìm thấy ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Việt Nam và một số nước khác. Các nhà nghiên cứu đã có thể đưa virus SARS-CoV-2 thành công vào nhóm tế bào này.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy dơi đã mang virus gây nên dịch SARS, cùng họ virus corona gây nên dịch Covid-19 hiện nay.
Phát hiện trên tức là “loài dơi móng ngựa Trung Quốc có lẽ thực sự là vật chủ đầu tiên mang “, nhà vi sinh học Yuen Kwok-yung, đồng chủ nhiệm nghiên cứu nhận định với SCMP.
Nghiên cứu này còn có sự tham gia của Giáo sư Jane Zhou Jie và được công bố trên tạp chí quốc tế Nature Medicine hôm 13/5.
Tuy nhiên, chuyên gia Yuen cho rằng vẫn cần tiến hành thêm các nghiên cứu trong tự nhiên để xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu của các nhà khoa học này được tiến hành trên các loài dơi được biết tới là loài động vật mang nhiều loại virus corona. Giới nghiên cứu cũng tin rằng chúng là vật chủ tự nhiên mang virus gây nên dịch SARS năm 2003 mặc dù không có bằng chứng trực tiếp được tìm thấy, có thể là do các nhân tố khác nhau mà trong đó, việc khó có thể tiếp cận loài động vật này trong tự nhiên là một nguyên nhân.
Phát hiện mới này đã đóng góp vào sự thành công của quá trình sao chép cấu trúc ruột của loài dơi trên trong môi trường phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu của trường Đại học Hong Kong cũng phát hiện ra virus SARS-CoV-2 có thể đã tấn công “ruột của các bệnh nhân mắc Covid-19” bên cạnh phổi của họ.
Các nhà khoa học đã xem xét mẫu phân của một bệnh nhân mắc Covid-19 68 tuổi có các triệu chứng sốt, đau họng, ho và tiêu chảy khi được đưa tới Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung.
Mẫu bệnh phẩm này đã dương tính với virus SARS-CoV-2, điều đó tức là virus đã lây lan tới đường ruột của bệnh nhân này.
Trong một nghiên cứu khác, đội ngũ các nhà khoa học đã tìm cách đưa virus SARS-Cov-2 vào nhóm các tế bào đường ruột của con người được phát triển nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Theo đó, virus đã nhân lên nhanh chóng trong các tế bào được tạo nên từ ruột non và ruột già, tuy nhiên, lượng virus tập trung cao hơn ở ruột già.
Sự nhân lên của virus trong các trường hợp này có thể dẫn đến sự gia tăng về các triệu chứng liên quan đến ruột và dạ dày ở các bệnh nhân mắc Covid-19, mặc dù chúng ta vẫn cần thêm các nghiên cứu để xác định mối liên hệ này.
Hiện vẫn chưa rõ sự lây nhiễm này diễn ra qua đường đưa thức ăn vào cơ thể hay do phản ứng thứ phát khi virus theo đường hô hấp lan tới hệ tiêu hóa.
“Chúng tôi vẫn chưa thể xác định liệu sự lây nhiễm qua đường ruột xảy ra từ việc đưa thức ăn dính virus vào cơ thể hay virus đã lan từ đường hô hấp trong mạch máu rồi sau đó đi tới ruột”, nhà vi sinh học Yuen giải thích, đồng thời nhắc nhở mọi người phải “luôn rửa tay sạch trước khi ăn”./.