Cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã bước vào một cung đoạn khốc liệt hơn khi số ca nhiễm vượt quá nửa triệu người. Những gì đang diễn ra cho thấy, thế giới trở nên vô cùng mong manh trước sức tàn phá mạnh mẽ của dịch bệnh.
Diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2
Vậy là, sau dịch SARS khiến hàng chục quốc gia lao đao và đại dịch Ebola gieo rắc chết chóc kinh hoàng tại nhiều quốc gia châu Phi, thế giới lại đang đối mặt với “cơn đại cuồng phong” Covid-19. Ngay từ khi những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019, người ta đã nhận ra sự nguy hiểm tiềm tàng của loại virus này, nhưng ít ai có thể tưởng tượng rằng nó lan nhanh và rộng, để lại hậu quả khủng khiếp như thế. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính tới tối 27-3 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng hơn 533.000 người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 và số bệnh nhân tử vong là khoảng 24.000 người. Và cũng chỉ mất chưa đầy hai ngày sau đó, cột mốc này đã bị xô đổ khi số ca nhiễm tăng lên 662.967 người và gần 31.000 ca tử vong. Trong khi Mỹ trở thành quốc gia có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất thế giới (hơn 123.000 người), Italy đứng đầu danh sách các nước có số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với hơn 10.000 người.
Nhưng những con số hữu hình về số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi “cỗ xe tử thần” Covid-19 vẫn chưa phát tín hiệu dừng lại. Virus SARS-CoV-2 đã và đang khiến cuộc sống ở mọi nơi trên thế giới trở nên “khó thở”, mất đi nhịp đập bình thường. Những gì mà người ta thấy hiện nay là một thành phố New York phải căng mình đón lượng bệnh nhân tăng chóng mặt, trong khi số phòng, số nhân viên và thiết bị y tế ngày càng thiếu hụt. Những địa danh hàng đầu thế giới trước đây luôn được lấp đầy bởi khách du lịch, nay chìm trong im lặng; các nhà máy, trường học, trung tâm thương mại hầu hết cũng đang trong cảnh vắng người; bầu không khí ngày nghỉ ở các quán bar, bãi biển đông đúc cũng dần biến mất. Thay vào đó, ở Mỹ, Italy, Tây Ban Nha hay Pháp và nhiều nước khác, các trung tâm y tế, bệnh viện dã chiến mọc lên như nấm sau mưa.
“Cuộc kháng cự tập thể” trước kẻ thù chung
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến chống Covid-19 đã thực sự bước vào thời điểm sống còn và thế giới đang bị dồn nén vào một “cuộc kháng cự tập thể” trước kẻ thù chung. Bất ổn, bất an cũng là cảm giác mà người ta có thể cảm nhận rõ khi đặt chân tới bất cứ nơi đâu trong thời điểm này.
Không giống như dịch SARS hay Ebola trước đây vốn chỉ mang tính cục bộ và tập trung tàn phá những quốc gia có hệ thống y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh yếu kém, đại dịch Covid-19 đang vươn chiếc vòi chết chóc để phá vỡ mọi giới hạn về địa lý, thể chế chính trị, quy mô dân số hay nền kinh tế. Thống kê gần nhất cho thấy, đại dịch đã lan tới 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và có lẽ không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, dù giàu hay nghèo, dám khẳng định “âm tính” với loại virus này.
“Cơn đại cuồng phong” Covid-19 cũng xé toang bức màn lâu nay về khả năng quản lý, xử lý và cái cách mà mỗi quốc gia phản ứng trước các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng về y tế. Mấy ai ngờ rằng, nước Mỹ hùng mạnh với hệ thống y tế thuộc loại hàng đầu lại đang trở thành một trong những “tâm dịch” lớn nhất của thế giới. Rồi đây khi Covid-19 qua đi, tất cả những điều này sẽ được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và đúng đắn.
Làm gì bây giờ? Sau những cách xử lý và phản ứng khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, dường như các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch này đang tìm đến hướng đi chung là phải quyết liệt, mạnh tay trong nỗ lực triệt tiêu virus SARS-CoV-2. Cùng với việc tận dụng tối đa nhân lực, vật lực để cứu chữa các bệnh nhân bị nhiễm, hầu hết các nước đều phát đi thông điệp “Hãy ở nhà” và tìm cách tháo ngòi “những quả bom tán phát virus” thông qua các biện pháp cách ly, cấm tụ tập nơi đông người… Tất cả đều hiểu rằng, bất cứ hành động chủ quan và hời hợt nào giờ đây cũng sẽ bị trả giá bằng tính mạng hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người.
Xét theo khía cạnh nào đó, “cơn bão” Covid-19 khiến đời sống quốc tế thay đổi, đồng thời tạo ra những khoảng lặng để mỗi quốc gia, gia đình và cá nhân nhìn nhận lại, thay đổi cách nghĩ, cách hành xử của mình. Hiếm có khi nào các cuộc tập trận, không kích, các cuộc triển khai quân sự lại được giảm tới mức tối thiểu như lúc này. Cũng hiếm có khi nào những khái niệm về đồng minh-đối thủ, bạn-thù ít được quan tâm như thời điểm hiện tại. Thay vào đó, mọi nguồn lực và hy vọng đều dồn cả vào các bệnh viện.
Đoàn kết, nỗ lực nhưng không nên chủ quan! Bởi, ngay cả khi tất cả các quốc gia đã dập dịch thành công, nguy cơ đại dịch tái bùng phát trên quy mô toàn cầu vẫn hiện hữu. Với bản năng lây lan “siêu tốc”, virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể biến một đốm lửa nhỏ còn sót lại thành những đám cháy lớn. Hơn thế nữa, việc phải căng mình đối phó với đại dịch trong một thời gian dài có thể sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ “ngã bệnh” và bước vào một cuộc vật lộn mới để tìm phương thuốc tránh suy thoái giống như cách đây hơn một thập kỷ. Đó là điều có thể tiên liệu trước!
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng có thể tin rằng, dù dịch bệnh có vượt qua những giới hạn nào đi nữa thì cuối cùng cũng sẽ bị chặn đứng bởi sự đoàn kết và trí tuệ của con người.