PGS. TS Trần Đắc Phu khẳng định, ‘nếu không chủ quan, vẫn làm tốt thì chúng ta không bị làn sóng thứ 2 dù vẫn có thể có ổ dịch nhỏ’.
Sáng 17/5, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết dịch Covid-19 trên thế giới có thể kéo dài 1-2 năm. Tại Việt Nam, vẫn có thể có ổ dịch nhỏ.
Tính đến ngày 17/5, 31 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 hiện nay là 320 người. 52 ca mắc Covid-19 gần đây nhất đều là những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Mặc dù vậy, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hiện còn diễn diễn biến phức tạp, kéo dài 1-2 năm, không thể hết ngay như SARS.
“Nhiều người đặt vấn đề liệu dịch có hết hẳn như SARS trước đây thì nhiều ý kiến đưa ra là không, nó có thể lưu hành giống như cúm. Hiện nay nhiều nước trên thế giới chưa lên đỉnh dịch. Hay như châu Phi nếu dịch bùng lên thì sẽ rất khó khăn. Vì thế dịch sẽ còn kéo dài, không thể hết ngay”, PGS Trần Đắc Phu nói.
Ông cho biết thêm có tới 60-70% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm và nó có thể tồn tại trong cộng đồng và lây lan. Vì tính chất như vậy nên dịch có sự lây lan kéo dài, mà chúng ta không giải quyết được.
Việt Nam hiện nay vẫn kiên trì chiến lược phòng chống dịch từ trước đến nay đó là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe. Đồng thời phải lường trước người về theo đường mòn lối mở, không về theo đường chính thống, cần giám sát chặt.
“Như ca mắc Covid-19 mới đây tại Tây Ninh đi từ Campuchia về là một ví dụ. Trường hợp này tiếp xúc với 17 người, nếu không phát hiện được ca đầu tiên này thì không biết sẽ thế nào. Rất may hệ thống của chúng ta đã phát hiện được dù người này không về theo con đường chính thống”, PGS Phu nói.
Trả lời lo ngại về những ngày gần đây số ca mắc Covid- 19 nhập cảnh tăng đột biến, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết hiện nay nước ta vẫn đủ năng lực cách ly người nhập cảnh, năng lực xét nghiệm, xét nghiệm tất cả các trường hợp cách ly ít nhất 2 lần (khi về nước và trước 14 ngày khi ra khỏi khu cách ly). Tương tự với việc điều trị các ca dương tính, chúng ta áp dụng nguyên tắc 4 tại chỗ, ca nhẹ để tuyến dưới, ca nặng đưa lên tuyến trung ương.
“Không có dịch bùng phát cộng đồng mạnh thì chúng ta vẫn đủ khả năng điều trị. Chúng ta cũng có kinh nghiệm điều trị từ dịch SARS trước đó”, PGS Phu nhấn mạnh.
Theo ông, lo ngại nhất là dịch bùng lên trong cộng đồng, gây số mắc rất lớn, gây quá tải cho các cơ sở điều trị, “y tế vỡ trận”. Dù vậy ông cũng thừa nhận tại nước ta “không có khả năng kịch bản đó xảy ra”.
Vì thế, ngành y tế cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ở cộng đồng nếu có. Lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ ngay để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch, càng phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên càng tốt như ca ở Tây Ninh mới đây là ca đầu tiên, phát hiện sớm thì mới mong dập được dịch.
“Làm sao để dịch chỉ xảy ra như một đốm lửa, dịch ở chỗ nọ chỗ kia, chỉ một vài ca. Chúng tôi cho rằng lúc này cả hệ thống đã có kinh nghiệm, từ y tế đến quân đội, công an, người dân cũng đã có kinh nghiệm trong việc phòng bệnh. Quan trọng là không được chủ quan”, PGS Phu nhấn mạnh.
Theo PGS Phu, lúc này người dân có hơi chủ quan, nhưng người dân đã dần quen cách sống với dịch, nhiều thói quen tốt sau dịch hình thành như vấn đề rửa tay bằng xa phòng. Ông khẳng định, “nếu không chủ quan, vẫn làm tốt” thì “chúng ta không bị làn sóng thứ 2 dù vẫn có thể có ổ dịch nhỏ”.
N. Huyền