Trước đó, những người khỏi bệnh từ dịch Sars năm 2002 đều có kháng thể tồn tại trong ít nhất 2 năm, còn đối với dịch Mers năm 2012 là ít nhất 12 tháng.
Nếu bạn đã khỏi bệnh sau khi từng nhiễm Sars nCov2, liệu bạn có được tự do đi lại hoặc xuất cảnh?
Đây là câu hỏi mà nhiều nước như Anh, Chile, Đức hay Italy đang cố gắng trả lời thông qua giải pháp “Hộ chiếu miễn dịch” (Immunity Passport). Đây là một kiểu chứng nhận bằng giấy tờ hoặc mã điện tử cho phép những người đã khỏi bệnh và có kháng thể quay trở lại sinh hoạt bình thường hoặc thậm chí xuất cảnh, qua đó thúc đẩy lại nền kinh tế vốn đang bị tổn thương từ lệnh giãn cách.
Dẫu vậy, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về giải pháp trên khi cho rằng chúng mang tính phân biệt xã hội cũng như khiến nhiều người cố tình nhiễm bệnh để khỏe lại và có hộ chiếu miễn dịch nhằm tự do di chuyển.
Có thực sự an toàn?
Thông thường, những người nhiễm Sars-Cov-2 thường sẽ sốt, chảy nước mũi và ho. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tăng nhiệt độ và làm thay đổi các tế bào để tạo chướng ngại cho các virus khi cố tình xâm nhập.
Những biểu hiện này là bình thường khi hệ thống miễn dịch cơ thể tìm cách chống lại dịch bệnh, bất kể đó là dịch Covid-19 hay bệnh nào khác. Tuy nhiên những triệu chứng này chỉ nhằm kiềm giữ tạm thời virus trước khi chúng xâm nhập cơ thể và hệ thống miễn dịch cần khoảng 7-10 ngày để tạo ra kháng thể chống dịch.
Tiếp đó, cơ thể sẽ liên tục tìm cách xây dựng kháng thể nhằm vào chủng virus đang khiến người bệnh ốm. Kháng thể này nếu thành công sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục. Tuy nhiên thật không may, điều này không chính xác với những virus chủng corona.
Theo các chuyên gia, kháng thể chống virus chủng corona chỉ có thể tồn tại tối đa 12 tháng. Nguyên nhân chính là kháng thể sẽ yếu dần theo thời gian trong khi các virus lại liên tục đột biến để phát triển và sống sót trong cơ thể người.
Đối với Sars-Cov-2, các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được kháng thể những bệnh nhân đã khỏi bệnh có được sẽ tồn tại trong bao lâu và đây chính là nguyên nhân nhiều chuyên gia vẫn phản đối việc ứng dụng hộ chiếu miễn dịch để khởi động lại nền kinh tế hiện nay.
Tái nhiễm bệnh
Hộ chiếu miễn dịch chỉ có thể thực hiện nếu người bệnh có kháng thể sau khi đã hồi phục. Thế những nhiều báo cáo tại Trung Quốc và Hàn Quốc lại cho thấy một số trường hợp dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh.
Chính nguyên nhân này đã khiến Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố vào cuối tháng 4/2020 rằng chưa có bằng chứng để áp dụng hộ chiếu miễn dịch cho Covid-19.
Thế nhưng, những bằng chứng gần đây lại cho thấy các nhà khoa học đã lấy những tế bào phổi đã chết, vốn chứa những mảnh virus không còn hoạt động để thử nghiệm và việc dương tính là đương nhiên. Thậm chí một số thí nghiệm khoa học còn cho thấy những động vật hồi phục sau khi nhiễm Sars-Cov-2 không thể bị nhiễm lại. Dù những thí nghiệm này chưa được kiểm chứng lại nhưng chúng cũng tạo nên sự tranh cãi trong giới học thuật.
Trước đó, những người khỏi bệnh từ dịch Sars năm 2002 đều có kháng thể tồn tại trong ít nhất 2 năm, còn đối với dịch Mers năm 2012 là ít nhất 12 tháng.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng những người khỏi bệnh từ dịch Covid-19 có thể có kháng thể trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này đồng nghĩa họ vẫn mang chủng virus Sars nCov2 trong cơ thể nhưng khó làm lây lan ra cộng đồng.
Liệu có hiệu quả?
Thông thường, những người muốn nhận hộ chiếu miễn dịch sẽ phải xét nghiệm xem có mang kháng thể không và có còn virus trong cơ thể hay không.
Viêc áp dụng hộ chiếu miễn dịch có thể giúp nhiều thành phần kinh tế quay trở lại hoạt động sau nhiều tuần cách ly, đồng thời tạo nên một lực lượng khó nhiễm bệnh trong tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Một biến thể của việc áp dụng hộ chiếu miễn dịch đã được thực hiện khi hãng hàng không Emirates Airlines quyết định thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 qua đường máu cho các hành khách trước khi lên máy bay vào giữa tháng 4/2020 trong chuyến bay đến Tunisia.
“Chúng tôi đang có kế hoạch gia tăng xét nghiệm và mở rộng ra nhiều chuyến bay khác. Biện pháp này sẽ cung cấp một dạng chứng thực cho các hành khách sử dụng dịch vụ của hãng hàng không Emirates khi du lịch đến những nước yêu cầu xét nghiệm lúc nhập cảnh”, thông báo của Emirates cho hay.
Trong khi biện pháp trên là một chiêu kích cầu của hãng hàng không thì nhiều startup cũng đang nhanh chóng tiếp cận phương án này. Startup Bizagi của Anh đã cho ra mắt ứng dụng CoronaPass có chứng thực tình trạng chứa kháng thể của nhà chức trách thông qua các mã QR, nhờ đó giúp người dân có thể đi lại và cung cấp chứng minh khi cần thiết.
Một số doanh nghiệp trong mảng blockchain về cung ứng giấy chứng nhận như Vottun cũng đang vô cùng hứng thú với phương án hộ chiếu miễn dịch này. Họ đã làm việc với một số công ty và nhà chức trách tại Tây Ban Nha hay Mỹ để tìm kiếm hướng đi khả thi nhất.
Tuy nhiên chưa nói đến liệu có áp dụng được biện pháp này hay không, việc thực hiện hộ chiếu miễn dịch có thể sẽ tại sự phân biệt đối xử trong cộng đồng. Thậm chí nhiều người chưa nhiễm bệnh cũng sẽ cố bị nhiễm để có được hộ chiếu miễn dịch nhằm quay lại với cuộc sống tự do di chuyển.
Thêm nữa, với tốc độ lây lan nhanh như dịch Covid-19 và việc các nhà khoa học còn quá ít số liệu cho chủng virus mới này khiến quyết định áp dụng hộ chiếu miễn dịch nghe có vẻ khá nguy hiểm.
Cuối tháng 4/2020, WHO cho biết chỉ khoảng 2-3% dân số trên thế giới là có kháng thể và thông qua được các xét nghiệm khỏi bệnh với Sars nCov2. Bởi vậy cũng chỉ ngừng này người có đủ điều kiện để làm hộ chiếu miễn dịch và con số này là quá nhỏ để có thể tái khởi động lại nền kinh tế.