4 lãnh đạo tổng thầu Trung Quốc của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã kết thúc thời gian cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19. Thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, cùng 3 nhân sự khác của nhà thầu (Phó giám đốc, phụ trách hạng mục thiết bị, phụ trách đào tạo) đã hết thời gian cách ly 14 ngày theo quy định để phòng dịch cúm Covid-19.
Diễn biến sự việc
Các nhân sự này, sau thời gian về Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán 2020, nhập cảnh vào Việt Nam từ cuối tháng 2/2020 bằng hộ chiếu công vụ để trở lại dự án làm việc. Tuy nhiên, theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 nên được cách ly tại một khách sạn trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) để theo dõi sức khỏe.
“Hết thời gian cách ly, các nhân sự trên không có dấu hiệu nhiễm Covid-19 và hiện đang tiếp tục làm việc tại dự án. Ban Quản lý dự án và lãnh đạo nhà thầu hàng tuần họp giải quyết công việc qua mạng trực tuyến. Nội dung công việc chủ yếu là nghiệm thu, giải quyết các vướng mắc của dự án”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.
Ngoài các nhân sự trên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện còn hơn 100 chuyên gia, công nhân, kỹ sư khác của tổng thầu Trung Quốc chưa trở lại dự án để tiếp tục làm việc. “Dự án đang trong thời gian chuẩn bị để vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày nhằm phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu. Mới đây, tổng thầu đề xuất cho phép trở lại dự án để chuẩn bị cho công tác vận hành thử hệ thống. Ban Quản lý dự án đang lập danh mục nhân sự cụ thể để báo cáo Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội xin ý kiến”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
Đã hoàn thành 12/13 báo cáo đánh giá an toàn
Trước đó, ngày 12/3, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được nghiệm thu thành phần ở các hạng mục xây dựng, thiết bị. Chỉ còn lại hạng mục đoàn tàu đang chờ được cấp chứng nhận đăng kiểm chính thức sẽ nghiệm thu.
Đơn vị thực hiện đánh giá độc lập về an toàn hệ thống của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là liên danh tư vấn quốc tế Apave-Certifer-Tricc, nhóm thực hiện đánh giá độc lập 13 chuyên ngành kỹ thuật. Đến nay, tư vấn đã đánh giá và phát hành 12/13 báo cáo đánh giá an toàn, trong đó đưa ra các hạng mục đã đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn thiết kế, cũng như các vấn đề tổng thầu cần phải khắc phục.
Theo liên danh tư vấn, nhiều hạng mục công trình đủ điều kiện báo cáo Hội đồng nghiệm thu cơ sở xem xét như: công trình cầu cạn khu gian (khu gian và tuyến ra vào Depot), đường ray. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng đề cương vận hành thử toàn bộ hệ thống 20 ngày để phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu.
Dự kiến trước đây, tháng 2/2020 bắt đầu vận hành thử hệ thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia, kỹ sư dự án người Trung Quốc của Tổng thầu, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 vẫn chưa xác định được thời điểm cụ thể trở lại để tiếp tục công việc.
Theo Ban quản lý dự án, thời gian tới, tư vấn đánh giá an toàn độc lập dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục phối hợp với Tổng thầu, các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hệ thống dự án trong quá trình vận hành thử liên động để làm cơ sở đánh giá. Trường hợp thiết bị không đáp ứng yêu cầu, không đảm bảo an toàn sẽ được tư vấn yêu cầu thay thế, khắc phục.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước khi được đưa vào vận hành chính thức phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt.
Trên cơ sở hồ sơ được đơn vị tư vấn đánh giá, cấp chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ chủ trì thẩm định hồ sơ để cấp chứng nhận thẩm định, chứng nhận an toàn của hệ thống đường sắt./.