Nhờ thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm ở mức thấp và không ghi nhận ca tử vong nào, Việt Nam dần mở cửa lại nền kinh tế và cuộc sống của người dân nơi đây cũng dần trở lại trạng thái bình thường. Quỹ Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức khẳng định như vậy trong bài viết được đăng mới đây trên trang web của FES.
Không phải phép màu
Bài viết của FES cho biết, thoạt nhìn, Việt Nam có vẻ dễ bị tổn thương giống như nhiều quốc gia trước sự bùng phát của dịch Covid-19. Lý do là bởi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, là một trung tâm thương mại và là điểm đến du lịch quan trọng với du khách quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam còn có chung đường biên giới với Trung Quốc và tiếp nhận một số lượng lớn công dân trở về từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. “Vậy làm thế nào mà Việt Nam có thể vượt qua thách thức?”, bài viết đặt vấn đề.
Theo bài viết, thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19 không phải là phép màu mà tổng hợp từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là “phản ứng sớm và cách tiếp cận chiến lược”. Theo đó, ngay tại cuộc họp ngày 27-1-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ Chính phủ sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, kinh nghiệm chống đại dịch SARS hồi năm 2003 cùng với việc tự ý thức về nguồn lực hạn chế đã thôi thúc Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng và áp đặt các hạn chế đi lại từ sớm. “Tận dụng triệt để hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực nhất có thể để xác định những người tiếp xúc, từ đó ngăn chặn virus lây lan”, bài viết nhấn mạnh.
Yếu tố thứ hai chính là việc thông tin, tuyên truyền rõ ràng và kịp thời về dịch bệnh với người dân. Thay vì phụ thuộc vào các ứng dụng phức tạp như nhiều quốc gia đã cố gắng phát triển để xác định người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, Việt Nam lại áp dụng biện pháp tuyên truyền có chi phí khá thấp. “Các chiến dịch nâng cao nhận thức thông qua loa đài, báo chí, mạng xã hội (MXH) và các phương tiện khác như video ca nhạc đã tác động mạnh mẽ tới đông đảo người dân Việt Nam. Người dân được hỗ trợ và cập nhật thông tin nhanh chóng về những diễn biến mới nhất của dịch bệnh và các khuyến cáo y tế thông qua các trang web, đường dây nóng, tin nhắn điện thoại và các ứng dụng di động khác. Một ví dụ điển hình là chiến dịch kêu gọi người dân rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch với bài hát “Ghen Cô Vy” do Bộ Y tế khởi xướng đã được lan truyền mạnh mẽ khi những cá nhân có ảnh hưởng trên MXH tự sáng tạo điệu nhảy để lắc lư theo giai điệu vui nhộn của bài hát”, bài viết nêu rõ.
Duy trì cảnh giác
Yếu tố thứ ba chính là sự đoàn kết. Theo bài viết, từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, người dân Việt Nam hiểu rằng sự đoàn kết có thể tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua những thách thức to lớn và dịch Covid-19 không phải ngoại lệ. Bài viết cho rằng người dân Việt Nam đang đoàn kết hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” mang tên Covid-19. “Người dân nhìn chung có sự tín nhiệm cao và sẵn lòng chấp hành các hướng dẫn của Chính phủ trong cuộc khủng hoảng lớn bất thường này. Nhất là khi liên quan đến việc bảo vệ tính mạng con người và an toàn của cộng đồng, đa số người dân Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì các mục tiêu chung. Các khẩu hiệu như “chống dịch như chống giặc” hay “ở nhà là yêu nước” được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo ra phản ứng tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch”, bài viết nhấn mạnh.
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng kể cả trước khi xảy ra đại dịch. Theo bài viết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, “thói quen tốt này tỏ ra hữu ích trong việc ngăn chặn virus lây lan từ người sang người”.
Bài viết của FES cho biết, nhờ kết hợp 4 yếu tố kể trên, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng, Việt Nam đã sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 23-4-2020. Đối với Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, hiện là thời điểm để khôi phục nền kinh tế. Không khó để nhận thấy cảnh tượng xe cộ tấp nập trở lại trên những con phố đông đúc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Du lịch nội địa được nối lại khi các khách sạn bắt đầu mở cửa đón khách trở lại. Các địa phương đã được phép tổ chức trở lại các sự kiện tập trung đông người, như thi đấu thể thao, lễ hội… “Nói là vậy nhưng Việt Nam vẫn duy trì cảnh giác và hiểu rõ đại dịch Covid-19 chưa thực sự kết thúc. Người dân vẫn được khuyến cáo nên đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay sát khuẩn thường xuyên… Người dân và Chính phủ Việt Nam vẫn lạc quan về việc kinh tế phục hồi chậm nhưng ổn định trong giai đoạn hậu Covid-19”, bài viết khẳng định.