Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Việt Nam cần công bố hết dịch Covid-19 trong nước vì tỷ lệ người nhiễm ít, tỷ lệ người đang phải điều trị không cao, không có người chết.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội sáng nay (15/6), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước để phát triển.
Ông Nhân điểm lại tình hình dịch trên thế giới diễn ra từ đầu tháng giêng, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc.
3 tháng đầu năm, thế giới trải qua giai đoạn 1 chưa và 3 không. Đó là chưa biết đặt tên dịch này là dịch gì, “3 không” là không cần đeo khẩu trang, không cần hạn chế đi lại giữa các nước, không cần hạn chế đi học ở các quốc gia. Kết quả là dịch bùng phát ở Trung Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ, Nam Mỹ…
Hôm nay, thế giới có 8 triệu người nhiễm.
Cần lập trình giám sát mở cửa với 17 nước
Ở Việt Nam, ngay từ tháng giêng, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt từ bài học trước đó trong phòng chống dịch SARS và dịch khác để có biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Trước tình hình diễn biến dịch vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, do những chỉ đạo chung sớm và kịp thời, từng địa phương vận dụng và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nên tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người, hiện là 332 người.
Theo ông Nhân, Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 nước là đối tác quan trọng nhất, họ chiếm 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch tới Việt Nam. Chúng ta cần lập trình giám sát mở cửa với 17 nước này theo lộ trình thỏa thuận 2 bên, thận trọng.
Ông Nhân cho rằng hoàn toàn có cơ sở làm điều này vì từ tháng 5 – 8 năm nay, 10 trong số 17 nước không còn dịch ở tiêu chí 10.000 người đang điều trị virus trên 1 triệu dân. Như vậy chúng ta cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.
Ngoài ra, ông Nhân cho rằng, 7 nước khác gồm: Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia hiện chưa an toàn nên cần theo dõi và khi họ an toàn thì thiết lập mở lại quan hệ với họ ngay.
Bí thư TP.HCM cho biết, số liệu từ các cơ quan dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%. Đầu tư nước ngoài có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 15%…
Từ đây, ông kiến nghị với kết quả chống dịch của Việt Nam cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3,4 người; tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân thực tế chỉ 0,2 người và đến thời điểm này Việt Nam không có người chết.
“Tóm lại, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, để vừa khai thác thị trường nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, thị trường trong nước phát huy sức mạnh văn hóa, chính trị và kinh tế”, ông Nhân kết luận.
Hết sức cẩn trọng khi công bố hết dịch
Tranh luận lại với ĐB Nguyễn Thiện Nhân, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng những việc cần phải làm giai đoạn tới như mở cửa, nhập cảnh dần dần với các nước, công bố hết dịch theo 3 tiêu chí, tuy nhiên phải hết sức cẩn trọng.
Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nêu lý do, Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ hai vẫn đang “treo lơ lửng” trên đầu rất nhiều nước. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng nước ta chưa có môi trường đầu tư an toàn trong tương lai gần, bằng chứng thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
“Chúng ta cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch của Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác.
Các phương pháp này cần dựa vào phương thức khoa học do ngành y tham vấn, ví dụ như cần nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn, hay quy trình nhập cảnh quốc tế vào việt Nam chặt chẽ tuân theo quy định….”, ĐB Hiếu đề xuất.
Hệ thống y tế công cộng phát huy hiệu quả trong đại dịch vừa qua, tuy nhiên hiện nay rất suy yếu do chất lượng đầu tư chưa đúng mức.
Ông Hiếu dẫn chứng ngay trong chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội vừa thảo luận tuần trước thì đầu tư cho y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỷ đồng, nâng cao chất lượng nhân viên y tế tuyến xã, huyện là nhu cầu cấp bách.
Cần chiến lược đầu tư cho y tế rõ ràng, cụ thể để đảm bảo an sinh xã hội vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, nếu đối mặt với dịch bệnh mới xuất hiện Việt Nam cũng sẽ là điểm sáng trên bản đồ thế giới.