Trong mùa dịch Covid-19, bệnh nhân ung thư đang là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chị Đỗ Thị H. 34 tuổi, Thái Nguyên mắc ung thư vú từ cuối năm trước. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú, chị H. đã được truyền hóa chất hết đợt 1. Sau đợt điều trị sức khỏe chị tốt hơn, da dẻ sáng hơn, người đỡ mệt. Tuy nhiên, đầu tháng 3 chị H. chụp PET/CT bác sĩ cho biết chị H. bị u ở gan và di căn xương.
Do dịch Covid-19, chị H. không thể đến viện điều trị. Bác sĩ thông báo cho chị cứ ở nhà uống thuốc theo đơn và không được ra ngoài vì sợ lây nhiễm Covid-19. Đến cuối tháng 3, chị H. chuẩn bị xuống Hà Nội kiểm tra tình hình thì lại nhận được thông báo của bác sĩ khi nào bác sĩ gọi thì đến. Chị H. cứ chờ đợi cho qua đại dịch và thấp thỏm với khối di căn gan và xương.
Không chỉ bệnh nhân đang điều trị bị lỡ, đối với những bệnh nhân khác cũng có nguy cơ bỏ qua thời gian vàng trong điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết khoa của ông thường tiếp các bệnh nhân bị ung thư đã bước sang giai đoạn muộn chỉ vì sợ dịch Covid-19.
Gần đây nhất trường hợp của bệnh nhân đến với bác sĩ trong tình trạng bụng to như ếch ương, người khó thở, người nhà phải dìu.
Được biết từ Tết bệnh nhân đã có dấu hiệu bụng to bất thường nhưng lo sợ dịch Covid-19 bệnh nhân không dám đến bệnh viện.
Khi bụng càng ngày càng to, bệnh nhân chuẩn bị đến viện khám thì có lệnh cách ly xã hội. Xe khách đều không chạy liên tỉnh.
Bệnh nhân ở nhà chờ đợi với cái bụng to và chèn ép gây khó thở. Sau khi người thân quyên góp quyết định thuê xe cho bệnh nhân lên thành phố khám. Để đi khám, bệnh nhân phải xin giấy của xã xác nhận trường hợp bệnh nặng mới được thuê xe đến Bệnh viện Ung bướu để khám. Khi khám bác sĩ cho biết bệnh nhân bị ung thư buồng trứng nhưng bệnh đã ở giai đoạn trễ. Bác sĩ phải hút dịch bớt thì mới có thể phẫu thuật được cho người bệnh.
Người bệnh sợ bị bỏ rơi, bác sĩ đắn đo
Trước sự lây lan của dịch Covid-19, bác sĩ Tiến cho biết người bệnh ung thư bị ảnh hưởng nặng nề. Người bệnh bị ảnh hưởng tới việc khám và điều trị, ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân ung thư đều phải bước qua thách thức dịch bệnh bởi bệnh nhân ung thư cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh và nguy hiểm trong dịch Covid-19.
Người bệnh ung thư có thể tiếp xúc với môi trường bệnh viện, do chịu tác động của các vũ khí điều trị cực mạnh làm suy giảm hệ thống để kháng miễn dịch không thể chống chọi khi bị nhiễm virus. Bệnh nhân ung thư là nhóm người có nguy cơ cao dễ tổn thương nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19.
Theo nghiên cứu của hiệp hội ung thư: “Bệnh nhân ung thư đặc biệt nhạy cảm với mầm bệnh đường hô hấp vì họ ở trạng thái ức chế miễn dịch do bệnh lý ung thư và liệu pháp điều trị chống ung thư. Trong vòng 14 ngày điều trị, các liệu pháp chống ung thư có liên quan đến sự xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng của bệnh Covid-19.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo rằng, khi điều trị các liệu pháp chống ung thư cho bệnh nhân ung thư cần phải sàng lọc kỹ để loại trừ đối tượng nhiễm Sars-CoV-2. Nên tránh các phương pháp điều trị gây ra ức chế miễn dịch hoặc cần giảm liều trong trường hợp bệnh nhân ung thư đồng thời mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, từ thực tế nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm từ cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện khi bệnh nhân đến điều trị ung thư cao. Do đó, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị cần có biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt trong các cơ sở y tế để tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong bệnh viện – bác sĩ Tiến cho hay.
Bác sĩ Tiến cho biết việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư trong lúc khủng hoảng này là một thách thức giữa một bên là nguy cơ tử vong do ung thư và một bên là cái chết do virus và khả năng tử vong cao hơn do bệnh Covid-19 trên người suy giảm miễn dịch (trong đó có bệnh nhân ung thư).
Từ đầu mùa dịch đến giờ, và nhất là khi có chỉ thị giãn cách xã hội, có rất nhiều bệnh nhân và cả các bác sĩ ung thư đã hỏi tôi nên làm như thế nào, bệnh nhân thì hoang mang vì “sợ bị bỏ rơi”, còn bác sĩ thì lúng túng trong việc ra quyết định điều trị tiếp hay không. Bác sĩ Tiến chia sẻ đây đúng là giai đoạn thách thức của chuyên ngành ung thư.