Giống như nhiều sự kiện quốc tế khác, Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5 năm nay bị đại dịch COVID-19 ‘phủ bóng đen’.
Nhưng khi cuộc sống tại nhiều nơi đang bị đình trệ vì COVID-19, mối đe dọa gây ra bởi tình trạng mất đa dạng sinh học vẫn không ngừng lại. Thay vào đó, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học càng trở nên cấp thiết trước một câu hỏi lớn, vốn được đặt ra không chỉ do dịch COVID-19 mà ngay từ khi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt nguồn từ động vật hoang dã như Ebola, sốt xuất huyết do virus Marburg hay Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS liên tục bùng phát. Dường như sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của những chủng virus và dịch bệnh mới gắn liền với “bước chân” của con người phá hủy đa dạng sinh học.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chỉ rõ rằng virus SARS-CoV-2, được cho xuất phát từ tự nhiên, đã cho thấy sức khỏe của con người chịu tác động trực tiếp của mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. Nói cách khác, sức khỏe của con người và của cả hệ sinh thái có sự kết nối ngày càng rõ rệt. Khi con người xâm lấn tự nhiên và làm suy kiệt môi trường sống quan trọng, những rủi ro liên quan tới bệnh tật cũng ngày càng tăng.
Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, và đây được coi là tài sản toàn cầu có giá trị to lớn đối với các thế hệ tương lai, Đánh mất đa dạng sinh học sẽ tạo ra mối đe dọa đến tất cả mọi mặt của sự sống, bao gồm cả sức khỏe của nhân loại. Khoa học đã chứng minh rằng mất đa dạng sinh học có thể thúc đẩy bệnh truyền từ động vật sang người – mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên đa dạng sinh học, nó cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại đại dịch như những bệnh do virus corona gây ra.
Qua nghiên cứu hơn 140 loại virus lây từ động vật sang người và đối chiếu với Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), các nhà khoa học Mỹ nhận thấy khoảng 75% vật chủ trung gian của nhiều loại virus gây bệnh là những động vật linh trưởng, dơi và chuột là những. Nhóm nghiên cứu này cũng kết luận rằng, nguy cơ bệnh truyền từ động vật sang người cao nhất khi một loài bị đe dọa, xuất phát từ những yếu tố như môi sinh tự nhiên bị tàn phá hay bị săn bắn quá mức.
Theo chuyên gia Christine Johnson, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ), việc khai thác quá mức đời sống hoang dã khiến môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, động vật hoang dã sẽ tiếp xúc gần với con người. Chính điều này làm xuất hiện các loại bệnh từ động vật hoang dã khiến con người có nguy cơ phải đối mặt với các đại dịch. Đại dịch COVID-19 bùng phát đang củng cố những lập luận của giới khoa học rằng phá hủy sự đa dạng sinh học khiến động vật mất đi môi trường sống, tạo điều kiện cho những virus và dịch bệnh mới xuất hiện.
Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo đa dạng sinh học trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Việc con người phung phí tài nguyên thiên nhiên, săn bắn bất hợp pháp, cơ giới hóa nông nghiệp và quá trình đô thị hóa đã đẩy khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đến bên bờ vực tuyệt chủng. Đây là kết luận trong báo cáo năm 2019 của Ủy ban liên chính phủ LHQ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) về tác động của nền văn minh hiện đại đối với thế giới tự nhiên. Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật.
Đây là những con số đáng buồn khi cân nhắc tới thực tế rằng đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Ví dụ, các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn sóng và bảo vệ bờ biển. Các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ, rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các hệ sinh thái cũng kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng. Tài nguyên đa dạng sinh học là trụ cột để xây dựng các nền văn minh. Cá cung cấp 20% protein động vật cho khoảng 3 tỷ người. Hơn 80% chế độ ăn uống của con người bắt nguồn từ thực vật. Có đến 80% người sống ở khu vực nông thôn ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào các loại thuốc dựa trên thực vật để chăm sóc sức khỏe.
Giới khoa học xác định 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng mất đa dạng sinh học gồm sự biến mất của môi trường tự nhiên; khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa… và các loài xâm lấn. Đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất hiện nay bị biến đổi nghiêm trọng, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm. Trên thực tế, 85% vùng đất ngập nước đã bị phá hủy kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.
Chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2020 là “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhằm nhấn mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội, cho dù đó là an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sức khỏe con người, rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay phát triển kinh tế. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững.
Chuyên gia David Quammen, tác giả hàng chục cuốn sách khoa học, đã cảnh báo về các đại dịch: “Chúng ta xâm chiếm rừng nhiệt đới và các môi trường hoang dã khác… chúng ta chặt cây, săn bắt động vật, đưa chúng ra chợ bán. Chúng ta làm gián đoạn hệ sinh thái, khiến virus chạy khỏi vật chủ tự nhiên của nó. Khi điều đó xảy ra, virus cần vật chủ trung gian mới. Thường chúng ta sẽ là nạn nhân”. Năm 2020 sẽ chứng kiến giai đoạn cuối cùng của Kế hoạch chiến lược 2011-2020 về Đa dạng sinh học và 20 Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi, cũng như Thập niên về đa dạng sinh học của LHQ, dẫn đến giai đoạn chuyển tiếp cho một thập niên mới trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành dữ dội, nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế là đặt ra mục tiêu mới cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học thế giới, mà trước hết là để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai.