Là một bác sĩ ở Triều Tiên trong thời kỳ xảy ra đại dịch SARS và cúm, Choi Jung-hun không có gì hơn một nhiệt kế để quyết định ai là người phải cách ly.
Lương thấp, không có dụng cụ xét nghiệm và làm việc với máy móc cũ, Choi và các đồng nghiệp ở Chongjin, thành phố thuộc vùng đông bắc Triều Tiên, thường không xác định được ai mắc bệnh, kể cả sau khi bệnh nhân qua đời, bác sĩ Choi, người đã chạy sang Hàn Quốc từ năm 2012, kể với AP.
Các quan chức y tế địa phương không được yêu cầu xác nhận ca bệnh hay báo cáo lên chính quyền trung ương ở Bình Nhưỡng, bác sĩ Choi nói.
Các chuyên gia cho rằng sự lưỡng lự của Triều Tiên trong việc thừa nhận tình trạng dịch bệnh, hệ thống y tế cũ kỹ và sự nhạy cảm trước bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài khiến Bình Nhưỡng xử lý dịch COVID-19 hiện nay giống như với các dịch bệnh trước đây.
Điều đó dẫn đến nhiều hoài nghi trước khẳng định của Bình Nhưỡng rằng nước này không có ca mắc COVID-19 nào.
“Năm này qua năm khác, mùa nào cũng vậy, các bệnh truyền nhiễm khác nhau đều xảy ra ở Triều Tiên, nhưng họ luôn khẳng định không có dịch bệnh nào cả”, bác sĩ Choi, 45 tuổi, nói.
Người bên ngoài nghi ngờ rằng virus corona, đến nay đã lây nhiễm cho hơn 2,3 triệu người khắp thế giới, cũng đã vào Triều Tiên vì nước này có đường biên giới dài và khó kiểm soát hết với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Triều Tiên đã cách ly hàng chục ngàn người, hoãn năm học mới để đề phòng và chính thức đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ tháng 1, nhưng các hoạt động buôn lậu ở biên giới vẫn diễn ra. Các nhóm hoạt động ở Seoul nói rằng những mối liên lạc của họ ở Triều Tiên cho biết đã có người chết vì virus. Những thông tin như vậy không thể kiểm chứng độc lập.
Dù không có báo cáo đáng tin cậy nào về tình trạng đông người mắc bệnh ở Triều Tiên, việc nước này kiểm soát chặt chẽ thông tin khiến các chuyên gia nước ngoài không thể khẳng định biện pháp cách ly của Triều Tiên thành công tuyệt đối. Như có thể thấy ở Singapore, virus corona có thể bùng lên sau giai đoạn đầu kiểm soát thành công. Bộ chính trị Triều Tiên tuần trước cho biết sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống dịch bệnh.
“Tôi nghĩ một số lượng người đáng kể có thể chết. Nhưng thông tin như vậy sẽ không được tiết lộ ra bên ngoài vì Triều Tiên còn không thể chẩn đoán cho các bệnh nhân”, ông Kim Sin-gon, một giáo sư công tác tại Trường Y thuộc ĐH Hàn Quốc, nói.
Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 1 thông báo tặng 1.500 thiết bị xét nghiệm virus corona cho Triều Tiên. Các nhà quan sát nói rằng những lô dụng cụ xét nghiệm tương tự cũng được chuyển đến Triều Tiên từ Trung Quốc. Một số tổ chức cứu trợ như UNICEF và Tổ chức bác sĩ không biên giới cho biết họ đã gửi găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ và nước diệt khuẩn tay đến Triều Tiên.
Tờ báo chính của Triều Tiên gần đây nói rằng hệ thống y tế công cộng của nước này “ưu việt nhất thế giới” và sự tận tâm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong việc nâng cấp hệ thống y tế là lý do giúp nước này không có ca mắc nào.
Dịch vụ y tế miễn phí của Triều Tiên sụp đổ vào giữa những năm 1990, trong bối cảnh hỗn loạn kinh tế và nạn đói khiến ước tính hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Trong những năm gần đây, ông Kim đã xây dựng nhiều bệnh viện mới và hiện đại hóa một số cơ sở y tế khi nền kinh tế khá lên, nhưng hầu hết chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu, các chuyên gia cho biết.
Cho Chung-hui, một cựu quan chức địa phương của Triều Tiên và giờ đang làm việc tại tổ chức phi chính phủ Goof Farmers ở Seoul, kể rằng ông đưa tiền cho bác sĩ để được chữa viêm dạ dày và viêm ruột.
Choi và Cho nói rằng các dịch bệnh sởi, thụy đậu, dịch tả, thương hàn, viêm gan và lao phổi thường xuyên xảy ra ở Triều Tiên hồi họ còn ở đó. Choi nói rằng ông không đeo khẩu trang, đi găng tay hay dùng kính bảo hộ y tế trong những lúc xảy ra dịch bệnh, và phải dùng các thiết bị từ những năm 1960-1970.
Trong đại dịch SARS từ năm 2002-2003, Choi nói rằng hàng trăm người ở Chongjin chết sau khi có các triệu chứng như cúm. “Nhưng không bác sĩ nào dám chẩn đoán họ chết vì SARS. Không có lệnh xác nhận nguyên nhân chết và chúng tôi không có dụng cụ xét nghiệm”, ông Choi nói. Bác sĩ này giờ đang công tác tại một viện nghiên cứu thuộc ĐH Hàn Quốc.
Trong đại dịch cúm năm 2009, Choi nói rằng ông không có dụng cụ xét nghiệm và đã yêu cầu các bệnh nhân uống thuốc kháng sinh trước khi cách ly. Sau khi thấy nhiều bệnh nhân chết, ông đoán rằng nguyên nhân tử vong của họ liên quan đến bệnh cúm.
Một số người cho rằng Triều Tiên có thể không có những ổ dịch lớn vì không có những thành phố mật độ dân số đông đúc, cộng thêm các biện pháp hạn chế di chuyển và tụ tập. Nhưng nhiều người khác không đồng ý, cho rằng tất cả người Triều Tiên đều phải tham gia các hoạt động nhóm của nhà nước, và tình trạng thiếu vệ sinh có thể khiến dịch bệnh bùng phát. Có nhiều câu hỏi về hoạt động của các trung tâm cách ly của Triều Tiên.