Ung thư là bệnh mãn tính phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức GLOBOCAN năm 2018, nước ta có 165 nghìn người mắc ung thư và 115 nghìn người tử vong vì ung thư.
Ung thư tại Việt Nam đang trẻ hóa
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết ung thư hiện nay vẫn đang là căn bệnh còn nhiều điều phải bàn đến. Hiện nay, bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa. Nếu như trước đây, ung thư thường gặp ở người 50 tuổi thì hiện nay ung thư ở Việt Nam trẻ hóa rất nhiều.
Ví dụ với ung thư vú, trên thế giới người ta có tỷ lệ mắc ở phụ nữ trên 50 tuổi, Việt Nam tỷ lệ này là tuổi 40 trẻ hơn 10 tuổi so với phổ tuổi chung của quốc tế.
Ung thư trở thành gánh nặng vì bệnh nhân đến viện điều trị đều ở giai đoạn muộn. Các phương pháp điều trị ung thư ở Việt Nam không phải lạc hậu như tỷ lệ tử vong vì ung thư ở nước ta vẫn rất cao. GS Thuấn cho rằng nguyên nhân chính là do người dân đến khám và điều trị khi bệnh đã quá muộn, bỏ qua thời gian vàng của điều trị.
Cụ thể, với bệnh ung thư vú, tỷ lệ thành công ở Việt Nam khoảng 75% ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Các bệnh ung thư khác cũng tương tự nhưng điều đáng bàn nhất hiện nay là bệnh nhân thường phát hiện ở giai đoạn trễ.
Một số bệnh ung thư trở thành gánh nặng như ung thư gan, ung thư phổi… Đa số phát hiện ra đã ở giai đoạn cuối, việc điều trị can thiệp hạn chế, chi phí lại tốn kém.
Dấu hiệu nhận biết ung thư
Ban đầu, hầu hết bệnh nhân ung thư không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt thường là khi bệnh đã tiến triển trầm trọng. Thông thường, ung thư có thời gian ủ bệnh (tức là thời gian từ khi một tế bào bị đột biến thành tế bào ung thư đến khi các triệu chứng của bệnh được bộc lộ) khá dài, khoảng 10 năm hoặc hơn tùy thể loại ung thư.
Do ung thư là tập hợp của nhiều dạng bệnh ung thư khác nhau nên triệu chứng của ung thư rất đa dạng và khác nhau ở tùy thể bệnh ung thư.
Triệu chứng của ung thưđược phân làm ba nhóm chính với các dấu hiệu ở từng nhóm. Như triệu chứng tại chỗ: Các khối u bất thường hay phù nề, chảy máu (hemorrhage), đau và/hoặc loét (ulcer). Chèn ép vào mô xung quanh có thể gây ra các triệu chứng như vàng da.
Triệu chứng của di căn (lan tràn): Hạch bạch huyết lớn lên, ho, ho ra máu, gan to, đau xương, gãy xương ở những xương bị tổn thương và các triệu chứng thần kinh. Đau có thể gặp ở ung thư giai đoạn tiến triển nhưng thông thường đó không phải là triệu chứng đầu tiên.
Triệu chứng toàn thân: Sụt cân, chán ăn và suy mòn, tiết nhiều mồ hôi (đổ mồ hôi trộm), thiếu máu và các hội chứng cận u đặc hiệu. Đó là tình trạng đặc biệt được gây ra bởi ung thư đang hoạt động, chẳng hạn như huyết khối (thrombosis) hay thay đổi nội tiết tố.
Giáo sư Thuấn cho rằng bất cứ ai cũng cần nhớ tới 9 dấu hiệu dưới đây:
– Vết loét lâu liền.
– Khàn giọng, ho dai dẳng, tức ngực điều trị không đỡ.
– Chậm tiêu dai dẳng, khó nuốt.
– Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu.
– Xuất hiện u cục bất thường ở vú hoặc ở nơi khác trên cơ thể.
– Hạch to lên không bình thường.
– Chảy máu, dịch bất thường.
– Bắt đầu suy giảm thính giác (ù tai) với tiếng ồn liên tục trong cùng một tai, lác mắt một bên.
– Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
Khoảng 30 – 40% ung thư có thể dự phòng được. GS Thuấn khuyên mọi người thường khó thay đổi lối sống, (tiêu biểu như như thói quen hút thuốc lá), ngay cả khi đã có những nghiên cứu khẳng định mối liên quan giữa việc hút thuốc vàung thư phổi.
Trong chế độ ăn, nên ăn thường xuyên các thức ăn tươi, tốt nhất là trong tất cả các bữa ăn. Các công trình nghiên cứu cho biết bữa ăn hàng ngày nên có nhiều rau xanh, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Đó là một chế độ ăn giàu sợi cũng như các sinh tố A và C.
Khi mua rau và hoa quả, hãy chọn loại có lá xanh hoặc màu vàng. Chúng có nhiều vitamin A hơn loại có màu nhạt. Nên thay đổi bữa ăn toàn bánh mì với cá hộp thịt nạc và rau tươi bằng bữa ăn giàu chất xơ.
Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng thịt bảo quản, các thực phẩm muối hoặc ướp, chú ý lượng Nitrit và natri ở các nhãn thực phẩm, thực phẩm nướng chín, thực phẩm muối.