Trong một bài viết mới đây, BBC đánh giá Việt Nam chính là một câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Các biện pháp hợp lý
Theo BBC, để tránh hệ thống y tế có thể bị quá tải trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ngay từ đầu tháng 1-2020, khi chưa ghi nhận ca nhiễm nào, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu “hành động quyết liệt” để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh viêm phổi lạ. “Việt Nam đã hành động rất nhanh theo những cách mà vào thời điểm đó có vẻ khá cực đoan nhưng sau đó đã được chứng minh là rất hợp lý”, Giáo sư (GS) Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP Hồ Chí Minh nhận xét.
Theo đó, Việt Nam đã “đi trước” trong việc thực hiện các biện pháp như: Hạn chế đi lại, tăng cường kiểm tra y tế tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ cao… Các trường học được yêu cầu đóng cửa từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 5 vừa qua. Một chiến dịch “quy mô lớn” và “tốn nhiều công sức” được triển khai nhằm xác định những người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Trong quá khứ, Việt Nam từng phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, từ đại dịch SARS hồi năm 2003 cho đến dịch cúm gia cầm hồi năm 2010 cũng như các đợt bùng phát dịch sởi và sốt xuất huyết. Vì vậy, theo GS Guy Thwaites, Chính phủ và người dân Việt Nam “rất quen với việc ứng phó các bệnh truyền nhiễm và cẩn trọng với chúng” và “họ biết cách ứng phó với các bệnh này”. Đến giữa tháng 3-2020, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam cũng như bất kỳ ai ở trong nước từng tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 đều được cách ly tập trung trong vòng 14 ngày và hầu hết chi phí đều do Chính phủ chi trả.
Bảo vệ trước các ca nhiễm không triệu chứng
Theo GS Guy Thwaites, việc thực hiện cách ly quy mô lớn như vậy đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có tới 50% số người nhiễm bệnh không hề có triệu chứng. Tất cả những người trong diện cách ly tập trung tại Việt Nam, cho dù có triệu chứng hay không, đều được xét nghiệm. GS Guy Thwaites cho biết nếu không nhờ xét nghiệm, có tới 40% các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã không hề hay biết rằng mình mang virus SARS-CoV-2. “Nếu có mức độ các ca nhiễm không có triệu chứng như vậy, biện pháp duy nhất có thể làm để kiểm soát dịch chính là cách mà Việt Nam đã làm. Nếu không cách ly những người này, họ sẽ đi khắp nơi và khiến dịch lây lan”, GS Guy Thwaites nêu rõ.
Theo BBC, trong khi Việt Nam chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Chính phủ đã hành động rất nhanh với các ổ dịch mới xuất hiện. Hồi tháng 2-2020, toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với hơn 10.000 dân đã bị phong tỏa. Biện pháp tương tự cũng được áp đặt với 11.000 người dân của thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cũng như toàn bộ cán bộ, nhân viên, bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai. GS Guy Thwaites cho rằng, phong tỏa “địa phương” lúc đầu “có vẻ là một chiến lược rủi ro cao” nhưng “hóa ra lại ổn tuyệt đối” vì “có thể cách ly và kiểm soát hoàn toàn các ca bệnh đó”.
“Cả xã hội chung tay chống “giặc”
Để một chiến lược như vậy đem lại hiệu quả đòi hỏi phải có sự ủng hộ của người dân. Tiến sĩ (TS) Todd Pollack thuộc Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) của Đại học Y Harvard đánh giá Chính phủ Việt Nam “đã làm rất tốt việc tuyên truyền cho người dân” về sự cần thiết cho các hành động quyết liệt của mình.
Theo đó, ngay từ giai đoạn đầu, người dân Việt Nam thường xuyên nhận được tin nhắn qua điện thoại hướng dẫn các biện pháp tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông trong nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh, “đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống kẻ thù chung”. Nhờ đó, theo TS Todd Pollack, đã tạo ra không khí “cả xã hội chung tay chống “giặc”. TS Todd Pollack cho rằng, hầu hết người dân Việt Nam ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ vì họ nhận thấy “Chính phủ đang làm mọi thứ có thể và đã thành công”, “Chính phủ đang bảo vệ người dân bằng bất cứ giá nào”.
Không giấu dịch
BBC cho biết, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 thấp “một cách ấn tượng”. Giới ngoại giao và y tế đều đồng thuận rằng không có lý do gì để nghi ngờ số liệu của Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của GS Guy Thwaites hiện đang làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ông cho biết, nếu có ca nhiễm Covid-19 nào không được báo cáo, chẩn đoán hay bị bỏ sót, “chúng tôi đã thấy ngay ở bệnh viện nhưng chúng tôi không hề thấy”. Nhóm nghiên cứu của GS Guy Thwaites cũng đã thực hiện gần 20.000 xét nghiệm và cho kết quả hoàn toàn khớp với số liệu mà Chính phủ Việt Nam công bố. “Không có chuyện giấu dịch một cách có hệ thống. Tôi rất chắc chắn về điều đó”, GS Guy Thwaites khẳng định.