Tính đến sáng 22/4, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 268. Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ chiều ngày 16/4/2020 và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong bài viết “Phản ứng chính sách, truyền thông xã hội và truyền thông khoa học đối với sự bền vững của hệ thống y tế công cộng trong đại dịch COVID-19: Bài học từ Việt Nam”, công bố lần đầu trên tạp chí Sustainability đã tập trung phân tích cách Chính phủ Việt Nam phản ứng với dịch bệnh qua việc triển khai các biện pháp y tế công cộng và chính sách, cũng như huy động người dân vào cuộc để kiềm chế dịch bệnh.
Tính đến sáng 22/4, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 268. Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ chiều ngày 16/4/2020 và chưa có trường hợp nào tử vong.
Cô Phạm Thanh Hằng, giảng viên Đại học Hà Nội đồng thời là nghiên cứu sinh Đại học RMIT, cho biết: “Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên của các nhà khoa học xã hội Việt Nam nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm từ những hành động kịp thời và hiệu quả mà Việt Nam đã thực hiện tính đến thời điểm hiện nay trong cuộc chiến chống COVID-19”.
Nhóm tác giả đã phát triển một công cụ thu thập dữ liệu web, và dùng công cụ này để quét và thu thập các tin tức trực tuyến liên quan tới dịch COVID-19 tại Việt Nam. Quá trình thu thập diễn ra từ đầu tháng 1/2020 đến ngày 4/4/2020 và thu về bộ dữ liệu với 14.952 tin tức.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam, dù có hệ thống y tế còn thiếu thốn nhưng đã sẵn sàng ứng phó với đại dịch nguy cấp ngay từ những ngày đầu bùng phát như thế nào.
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội liên ngành (ISR) thuộc Đại học Phenikaa, đồng thời là chủ nghiệm đề tài nghiên cứu, cho rằng nhiều khả năng Chính phủ Việt Nam đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ đối phó với dịch SARS năm 2003.
“Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế dịch SARS hiệu quả. Vì vậy, lần này khi đối mặt với COVID-19, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, chẳng hạn như sàng lọc kỹ lưỡng những người nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở của Chính phủ đối với những người có nguy cơ nhiễm virus”, Tiến sĩ Hoàng nhận định.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cách ứng phó của Việt Nam trước COVID-19, kết hợp giữa sự sẵn sàng về mặt chính trị, truyền thông xã hội kịp thời và truyền thông khoa học có thể đem đến những bài học quý báu cho các quốc gia khác.
“Việt Nam chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng chống dịch bệnh mà không gây hoang mang, bằng cách thúc đẩy hợp tác thực sự giữa Chính phủ, xã hội dân sự và từng cá nhân”, bà Hằng nhận xét.
Theo nhóm nghiên cứu, bài học này “không chỉ có ý nghĩa riêng đối với cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay mà còn có ý nghĩa chung với bất kỳ khủng hoảng y tế công cộng nào”.