Do dịch cúm COVID-19, VPF đã đưa ra phương án tổ chức giải bóng đá VĐQG, LS V-League 2020 tập trung tại các sân bóng miền Bắc. Tuy nhiên, kế hoạch này khó lòng nhận được sự ủng hộ của tất cả các CLB.
LS V-League có thể phải hoãn vô thời hạn
Ngày 25/3, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chính thức gửi văn bản thông báo tới các CLB về việc hoãn các giải chuyên nghiệp quốc gia gồm V-League 2020, Cúp Quốc gia và giải Hạng nhất 2020 tới ngày 15/4.
Cùng với thông báo này, VPF đã đề nghị các CLB góp ý kiến về phương án tổ chức V-League theo phương thức thi đấu tập trung ở khu vực miền Bắc, dự kiến đến hết lượt đi trong điều kiện không có khán giả. Giải sẽ chuyển sang thi đấu có khán giả ngay khi dịch COVID-19 kết thúc. Khu vực miền Bắc được lựa chọn do tại đây có 7/14 đội bóng, miền Nam có 4 đội và miền Trung 3 đội.
Theo kế hoạch của VPF, sẽ có 2 phương án tổ chức lượt đi V-League: phương án 1 từ ngày 15/4-29/5 và phương án 2 từ 1/5-28/6. Các đội thi đấu theo hình thức vòng tròn 2 lượt (sân nhà-sân đối phương) theo kết quả bốc thăm từ đầu giải.
VPF cho biết, kế hoạch này sẽ có ưu điểm đáp ứng tiêu chí sân nhà-sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp để cầu thủ đảm bảo thể lực, giảm tải lịch thi đấu giai đoạn 2, tránh trường hợp giải kết thúc muộn. Kết hoạch của các ĐTQG ổn định, tập trung cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Hạn chế của nó là mật độ thi đấu khá dày có thể ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân, hình thức thi đấu không có khán giả khiến cầu thủ thiếu hưng phấn.
Về kinh phí, các CLB có thể tiết kiệm chi phí di chuyển máy bay, chia sẻ được chi phí triển khai hệ thống bảng quảng cáo. VPF sẽ tổng hợp chi phí tổ chức các trận đấu và tính toán phù hợp để thống nhất với các CLB. Quan trọng hơn, kế hoạch này sẽ hạn chế rủi ro lây lan dịch cúm COVID-19. Theo VPF, mỗi trận đấu diễn ra trong 2 giờ, sẽ chỉ gồm 100-120 người, đã được xác định danh tính.
Cùng chờ Chính phủ
Dự kiến ngày 31/3 tới, VPF sẽ tổ chức cuộc họp tại Hà Nội với các CLB để lấy ý kiến thống nhất. Đại diện các đội ở xa có thể họp trực tuyến. Tuy nhiên hôm qua, khá nhiều CLB đã lên tiếng với các quan điểm rất khác nhau xung quanh kế hoạch trên.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết đội bóng phố núi không ủng hộ. Theo ông Đức, vấn đề này cần được sự chấp thuận của Chính phủ. Băn khoăn lớn nhất của bầu Đức là nếu bỏ V-League, các cầu thủ sẽ tập chay, mất cảm giác và khó khăn khi trở lại thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Vấn đề này, Việt Nam có thể “nghe ngóng” các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
CLB Hà Nội ra thông báo cho biết, diễn biến dịch cúm COVID-19 rất phức tạp, ảnh hưởng tới tình hình xã hội. Do đó, việc tổ chức V-League hiện tại dưới hình thức nào là không quan trọng. “Chúng tôi xác định chỉ khi nào Chính phủ cho phép các hoạt động TDTT trở lại bình thường thì V-League mới nên tiếp tục thi đấu”- thông báo của Hà Nội dẫn lời Chủ tịch Đỗ Vinh Quang cho biết.
Đại diện các CLB TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn FC, Bình Dương…cũng khẳng định quan điểm giải an toàn mới cho tổ chức. Một số khác chưa đưa quan điểm rõ ràng. Người ủng hộ kế hoạch của VPF là Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ. Theo ông Đệ, hoãn giải quá lâu sẽ ảnh hưởng tới các CLB và cả ĐTQG.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú hôm qua cho biết, đây chỉ là phương án VPF đưa ra để lấy ý kiến các CLB trước khi quyết định tổ chức hay không. “Chúng tôi không thể thụ động chờ dịch nên cần có phương án tùy theo diễn biến dịch bệnh. Cần đảm bảo khi dịch được ngăn chặn, bóng đá có thể trở lại bình thường một cách sớm nhất bởi nếu hoãn lâu, rất nhiều thứ sẽ bị ảnh hưởng. Đây là kế hoạch dự kiến và để có thể triển khai, chúng tôi phải đạt được sự đồng thuận của các CLB, báo cáo cơ quan chức năng”- ông Trần Anh Tú cho biết.
Theo thông báo mới nhất của VPF, V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia sẽ hoãn tới ngày 15/4. Tuy nhiên nhiều khả năng tất cả sẽ phải hoãn vô thời hạn trong bối cảnh dịch cúm COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.