Tỉnh Hồ Nam trở thành nơi đầu tiên tiến hành hỗ trợ nông dân từ bỏ nuôi động vật hoang dã kể từ khi luật cấm được chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 2.
Đây là một bước đi trong những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm chấm dứt ngành nuôi nhốt động vật hoang dã trị giá hơn 74 tỷ USD, theo số liệu của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc.
Những nông dân nuôi động vật hoang dã lấy thịt và các chủ trang trại tự nguyện ngừng kinh doanh sẽ được đền bù và khuyến khích nuôi các loài vật thuần chủng khác. Theo chính sách này, nông dân được trả 17 USD/ 1 kg rắn và gần 11 USD cho 1 kg chuột tre mà họ giao lại, theo tờ South China Morning Post. Những người muốn nuôi vì mục đích nghiên cứu khoa học hay làm thuốc sẽ cần có giấy chứng nhận để tiếp tục kinh doanh.
Các chương trình trợ giá và đào tạo nghề cũng được đưa ra nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề.
Nuôi nhốt và khai thác động vật hoang dã là công việc tạo thu nhập chính tại nhiều vùng ở Trung Quốc, đặc biệt ở những vùng đói nghèo.
Tuy nhiên, động vật hoang dã cũng là trung gian truyền nhiễm nhiều loại bệnh chết người như SARS (từ cầy hương). Covid-19 – căn bệnh đã giết chết hơn 300.000 người trên toàn cầu được cho là có liên quan tới dơi và lây lan qua một chợ buôn bán thịt động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Dưới sức ép khắp nơi khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, hồi tháng 2, chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên toàn quốc, mặc dù chưa công bố các kế hoạch cụ thể nhằm thực thi lệnh cấm này.