Đi dạo, ngồi ngoài trời uống cà phê, ngắm mọi người…, trở thành những điều xa xỉ đối với các y bác sĩ trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng.
Công dân Thủ đô ưu tú là danh hiệu được UBND TP Hà Nội trao tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho thủ đô và đất nước.
Ngày 3/10, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), sẽ được trao tặng danh hiệu ý nghĩa này. Trước đó, ông được đề cử vào danh sách 10 cá nhân tiêu biểu với những đóng góp to lớn cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19.
Sứ mệnh với bệnh nhân, bất kể là ai
– Cảm xúc của ông khi biết tin mình nằm trong danh sách đề cử Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 như thế nào?
– Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua, tất cả nhân viên y tế đều xuất sắc và chịu nhiều vất vả. Tôi chỉ là một trong những đại diện cho họ.
Nhiệm vụ của chúng tôi là điều trị cho bệnh nhân. Nhiều năm qua, chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đó. May mắn trong lần này, chúng tôi được xã hội ghi nhận nhiều hơn.
Tôi trở thành bác sĩ hồi sức cấp cứu từ năm 1995, đến nay là 25 năm. Tôi đảm nhận nhiệm vụ khám, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nặng, phức tạp. Khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tôi đảm nhiệm thêm vai trò chống dịch và nhiễm trùng. Với bệnh nhân Covid-19 hay các trường hợp khác, tôi đều cố gắng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
– Đâu là khó khăn lớn nhất trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam?
– Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là Covid-19 quá mới mẻ với chúng ta. Giai đoạn đầu của dịch, thế giới chưa có nhiều hiểu biết về bệnh và chỉ nắm được kinh nghiệm nhỏ từ Vũ Hán qua một số tài liệu tiếng Trung.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu về Covid-19 trên thế giới chưa xuất hiện. Quan điểm điều trị hay các chiến lược phòng, chống sự lây nhiễm của chúng ta chỉ dựa vào kiến thức có sẵn với bệnh lý tương tự SARS.
Các chiến lược và phương án điều trị này khi ứng dụng với Covid-19 không đảm bảo chính xác. Sau 10-20 bệnh nhân đầu tiên, chúng ta mới có thêm kinh nghiệm và hiểu biết về dịch. Thế giới cũng dần nắm rõ căn bệnh này, giúp việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
Không được phép suy sụp
– Là người trực tiếp điều trị và chỉ đạo công tác chữa bệnh cho người mắc Covid-19, điều gì khiến ông đặc biệt ấn tượng?
– Thời gian qua, thế giới đã có nhiều người mắc bệnh và tử vong do Covid-19. Trong đó, không ít người là cán bộ, nhân viên y tế. Chúng tôi phải xác định bản thân có nguy cơ mắc bệnh khi đối mặt với dịch. Toàn ngành đã cố gắng vượt qua bằng cách đảm bảo phòng hộ an toàn cho nhân viên y tế, kết hợp cải tiến các biện pháp khác để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Ở thời điểm đón đoàn công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về, chúng tôi đối mặt với nguy cơ lớn. Khi toàn bộ y bác sĩ và phi hành đoàn có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, tôi rất vui và cảm thấy sự nỗ lực được đền đáp.
Chuyến đi này đã được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng về thiết bị phòng, chống lây nhiễm trên máy bay, cũng như củng cố kiến thức cho đội đi đón đoàn. Quá trình này tốn nhiều thời gian nhưng xứng đáng với kỳ vọng.
Tôi ấn tượng với rất nhiều bệnh nhân. Mỗi trường hợp mang tới cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong nhiều tình huống, chúng tôi không thể ứng dụng toàn bộ lý thuyết mà phải dựa vào kinh nghiệm, thực tế điều trị.
Ví dụ ở một bệnh nhân nặng, nếu áp dụng kiến thức cũ, họ phải được đặt ống nội khí quản và ECMO. Tuy nhiên, sau khi thăm khám trực tiếp, chúng tôi quyết định chỉ can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập.
Dù theo lý thuyết, việc làm này không đúng, sức khỏe của bệnh nhân này đã cải thiện sau một thời gian chăm sóc tích cực. Ca bệnh này cũng đã mở ra hướng giải quyết và kinh nghiệm cho những trường hợp sau.
– Còn với đợt dịch mới đây thì sao? Ông đã tới Huế để viện trợ cho các đồng nghiệp?
– Tôi mất 1-2 tuần để có mặt tại Huế. Khi tới nơi, dù các đồng nghiệp tại đây rất giỏi và nỗ lực, họ khá giống chúng tôi khi gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của dịch. Các bác sĩ vấp phải nhiều vướng mắc khi áp dụng kinh nghiệm từ bệnh lý tương tự nhưng không phù hợp.
Nhiệm vụ của chúng tôi khi tới Huế là truyền đạt kinh nghiệm, tránh để đồng nghiệp loay hoay như mình thời gian trước. Trải qua giai đoạn đầu, khoảng một tuần, tình hình tại đây ổn định hơn, các bệnh nhân không diễn biến nặng.
Tôi đồng cảm với đồng nghiệp khi chứng kiến tình cảnh ở Huế. Tuy nhiên, với vai trò của người hỗ trợ, tôi không được phép suy sụp. Trái lại, chúng tôi cần động viên, xốc lại tinh thần cho mọi người. Mỗi ngày, thông tin các bệnh nhân tử vong liên tiếp được công bố khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng.
– Giai đoạn nào được coi là “nước sôi lửa bỏng” trong đợt dịch vừa qua khiến bệnh viện gặp khó khăn?
– Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi có một số khoảng lặng, qua đó giúp đội ngũ lãnh đạo điều chỉnh tốt hơn.
Ở giai đoạn sau, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng hơn với tần suất dồn dập. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể đã được hoàn thiện nên bệnh viện không bị rối loạn.
24 giờ của tôi trong thời gian dịch rất dài. Khi ở bệnh viện, tôi không có khái niệm về ngày, đêm. Trên bàn, tôi luôn có sẵn điện thoại, máy tính và online 24/24 để can thiệp ngay khi cần thiết. Tôi cũng duy trì kết nối với gia đình thông qua phương pháp này.
Tôi có một bệnh nhân thường xuyên hỏi về việc lúc nào được đi chụp X-quang. Người này bị cách ly trong phòng bệnh lâu quá dẫn đến khao khát được ra ngoài, dù chỉ là đi lại trong sân, tới phòng chụp X-quang rồi về.
Chúng tôi cũng vậy, trong quá trình làm việc và cách ly, chỉ thèm được ra khỏi bệnh viện để đi dạo, ngồi ngoài trời uống ly cà phê, ngắm mọi người. Cảm giác khi đó rất hạnh phúc, công việc của mình có ý nghĩa và những nỗ lực được đền đáp.