Các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đang cảnh báo: Các con số dịch tễ học của Covid-19 hiện đang gần tiệm cận với các dịch bệnh từng hoành hành trong quá khứ như đậu mùa, Ebola và đặc biệt là đại dịch cúm Tây Ban Nha. Họ cũng đưa ra những kịch bản tồi tệ nhất tương tự dịch cúm Tây Ban Nha cách đây hơn 100 năm.
Thảm họa của nhân loại
Mùa xuân năm 1918, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin vua Tây Ban Nha ốm liệt giường, có thể là nạn nhân của trận dịch cúm đang hoành hành tại Tây Ban Nha. Báo Le Matin, ngày 30/5/1918, đưa ra con số 120 nghìn người bệnh, riêng chỉ tại Madrid.
Theo các nhà khoa học, dịch bắt đầu bùng lên từ một căn cứ quân sự Mỹ của lực lượng viễn chinh. Những trường hợp mắc cúm lạ, lần đầu tiên được ghi nhận là vào tháng 3/1918. Nhưng đợt thứ hai nguy hiểm, lan rộng và gây chết người nhiều hơn là vào tháng 8/1918. Vào thời điểm đó, mọi nỗ lực dành để cho cuộc đại chiến Thế giới lần thứ nhất. Bất chấp các dấu hiệu của dịch bệnh lớn, tại Mỹ, người ta vẫn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo người tham gia, để quyên góp tiền cho cuộc chiến bảo vệ các đồng minh châu Âu.
Sử gia Alfred Crosby cho biết: Khoảng 40% lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã bị mắc ‘’cúm Tây Ban Nha’’, khoảng 4.000 quân nhân thiệt mạng do cúm trên đường vượt Đại Tây Dương. Các nghiên cứu về lịch sử và dịch tễ hiện đại cho thấy, dịch cúm Tây Ban Nha đã diễn ra theo hai đợt: Đợt thứ nhất kéo dài đến hết năm 1918, và đợt thứ hai ngắn hơn, diễn ra vào mùa hè năm 1919. Nhà sử học nêu ra con số, chỉ trong 2 tháng cuối của cuộc chiến, đã có khoảng 400.000 thường dân Pháp và 100. 000 binh sĩ quân đội phe Đồng minh thiệt mạng do dịch.
Từ châu Âu, dịch bệnh bùng phát ra toàn thế giới. Việc che giấu thông tin cũng được coi là nguồn gốc khiến dịch bệnh lan từ châu Âu ra những nơi khác trên thế giới. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, người ta ước tính có khoảng 6 triệu người chết. Dịch bệnh lây nhiễm 1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó (khoảng 500 triệu người). Tính đến khi kết thúc vào năm 1919, đã có khoảng 50 triệu người chết (có thể là 100 triệu người theo cách thống kê khác). Với việc đã giết chết 3 – 5% dân số thế giới, xấp xỉ số người chết ở cả hai cuộc chiến tranh thế giới và được xem là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.
Kịch bản có lặp lại?
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, WHO ngày 11/3 đã chính thức coi dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra là “đại dịch toàn cầu”. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ sự quan ngại về việc kịch bản tồi tệ của các đại dịch từng xảy ra trong lịch sử có thể lặp lại.
TS Graham Mooney- Đại học Johns Hopkins nhận định: “Các con số dịch tễ học của Covid-19 hiện đang gần tiệm cận với các dịch bệnh từng hoành hành trong quá khứ như đậu mùa, Ebola và đặc biệt là đại dịch cúm Tây Ban Nha”. Cũng theo chuyên gia này, mặc dù rõ ràng cúm Tây Ban Nha và Covid-19 là hai dịch bệnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là nguyên nhân khiến chúng lây lan nhanh có một phần không nhỏ nằm ở chính sách kiểm soát dịch ở các nước.
Đối với trường hợp của dịch Covid-19 hiện nay, mặc dù không có một cuộc chiến tranh thế giới nào, nhưng dịch bệnh lại có một cách lây lan thậm chí còn nhanh và dễ dàng hơn, đó là thông qua lượng lớn hành khách di chuyển xuyên quốc gia, xuyên lục địa trên các phương tiện giao thông mỗi ngày.
Trước các diễn biến không thể lường về đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới và đặc biệt tại châu Âu những ngày qua, đã có nhiều người so sánh Covid-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha với những kịch bản tồi tệ tương tự. Tuy nhiên, tác giả Jeremy Brown trong bài viết “The Coronavirus Is No 1918 Pandemic” đăng trên The Atlantic mới đây cho rằng “rất khó có một kịch bản như vậy (dịch cúm Tây Ban Nha) diễn ra”.
Theo Jeremy Brown, sự khác biệt cơ bản trong 2 đại dịch là hiện nhân loại đã có một nền y học hiện đại. Và điểm khác biệt nhất là: “Chúng ta sống trong một thế giới tràn đầy thuốc kháng sinh. Và mặc dù có lo ngại rằng vi khuẩn đang dần kháng thuốc, kháng sinh vẫn là một công cụ đầy sức mạnh để đối phó viêm phổi thứ cấp do vi khuẩn kể cả đó là SARS-CoV-2”.