Dịch cúm đang tác động đến kinh tế của nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay cũng được dự báo giảm và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song Thủ tướng Chính phủ khẳng định chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, tìm giải pháp tăng sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh cho doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung là một vấn đề quan trọng được đặt ra.
Kinh tế toàn cầu bất lợi
Từ giữa tháng 2-2020, giá vàng thế giới liên tục tiếp nối đà tăng. Đến ngày 24-2, giá vàng đã thực sự bùng nổ khi đã tăng vọt lên mức 1.688USD/ounce và sau đó dao động quanh mốc 1.650USD/ounce.
Lâu nay diễn biến của giá vàng luôn phản chiếu lại tình hình thế giới. Lần này cũng vậy, giá vàng trong thời gian ngắn đã nhanh chóng chọc thủng mốc 1.600USD/ounce, vọt lên lập đỉnh trong 7 năm qua cũng phản ánh sự bất ổn nghiêm trọng của kinh tế thế giới khi dịch cúm do virus corona gây ra đang hoành hành tại nhiều quốc gia.
Các dự báo về kinh tế thế giới đưa ra gần đây cũng khá ảm đạm. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố vào tháng 1-2020, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.
Mới đây, Tổng giám đốc IMF lại tiếp tục cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức 0,1-0,2% do tác động của dịch cúm này. Phía Chính phủ Trung Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế của họ năm nay sẽ giảm 0,3 điểm % xuống còn 5,8%.
Trong khi đó, một số tổ chức quốc tế khác lại kém lạc quan hơn, như Deutsche Bank dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm 1,5% trong quý I so với cùng kỳ năm 2019 còn 4,6%, toàn cầu dự kiến giảm 0,5 điểm %. Hay Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS… dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020.
Cũng như các nước, khi dịch cúm bùng phát, kinh tế Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều bất lợi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kịch bản kinh tế chỉ tăng trưởng từ 6% đến 6,3% trong khi trước đó đã đặt mục tiêu 6,8%.
Kịch bản này được tính toán và đưa ra dựa trên cơ sở xem xét tình hình dịch bệnh tác động đến Việt Nam trên nhiều mặt. Rõ ràng lâu nay, chuỗi cung ứng của Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân phối linh kiện, bán thành phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới do họ sản xuất. Việt Nam cũng phải nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu từ Trung Quốc rất nhiều.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chỉ ra, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu trong tất cả các ngành từ máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại, vải sợi, các loại chất dẻo…, chiếm tỷ trọng đến 50-60%. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc đã tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, do tâm lý lo ngại dịch bệnh, người dân đi lại, tiêu dùng ít hơn, khách du lịch giảm đi khiến nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (gồm vận tải hàng không, vận tải đường bộ và đường sắt), du lịch, bán lẻ, logistics… cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tìm liều vắc xin chống suy giảm
Chính sách hỗ trợ vẫn có chỉ có tác dụng nhất định, khó khắc phục được hoàn toàn thiệt hại. Do đó, các DN Việt Nam luôn phải lường trước tình huống để có giải pháp thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước để chủ động hơn trong việc cải thiện hoạt động kinh doanh.
Khó khăn của nền kinh tế hiện hữu ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, trong cuộc họp ghi nhận ý kiến của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia ngày 25-2 vừa qua, Thủ tướng đã đặt vấn đề có loại vắc xin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu?
Mục tiêu là vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế – xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Các thành viên hội đồng cho rằng nếu phá vỡ vĩ mô rất nhiều hệ lụy đặt ra, không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ.
Trao đổi với ĐTTC, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám tài chính quốc gia chia sẻ có nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này, một trong những giải pháp quan trọng để giúp tăng trưởng kinh tế là phải phục hồi lại niềm tin của thị trường đối với tiêu dùng, khai thông việc đón nhận khách du lịch trên thế giới đến Việt Nam, tạo ra niềm tin của người dân để tiêu dùng tăng lên.
Trước tác động của dịch bệnh, mặc dù cũng có nước dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN (như Trung Quốc), nhưng phần lớn các nước trên thế giới đang sử dụng chính sách tài khóa để họ xử lý chứ không phải dùng chính sách tiền tệ. Việt Nam cũng không cần thiết mở rộng chính sách tiền tệ vì thanh khoản thị trường rất dồi dào, không thiếu tiền để cho vay.
Hiện DN đang khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng nên chưa vay, chưa mở rộng sản xuất. Vừa rồi, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD hỗ trợ các DN khó khăn bằng cách khoanh lại nợ, giảm nợ, cũng có thể giảm lãi suất, đó là giải pháp hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn trong lúc này.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, thời điểm này sự đồng hành, giúp sức của NHNN và các TCTD trong giai đoạn khó khăn sẽ khiến cho DN yên tâm hơn. Đặc biệt là với những DN xuất nhập khẩu, khi thị trường đầu ra/vào gặp khó khăn sẽ liên quan tới vướng mắc trong thanh toán nợ cho NH. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc được miễn, giảm lãi vay sẽ giúp cho DN có điều kiện vượt qua được khó khăn hiện nay.