Tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới và Việt Nam tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp thời gian qua. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do nhiều loài ĐVHD mang mầm bệnh có thể lây truyền sang người.
Các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, có khoảng 70% số bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Điều này đã được chứng minh qua các đại dịch xảy ra trên thế giới thời gian qua như: HIV, Ebola, H5N1, SARS, vi-rút đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng A-ma-dôn, vi-rút Marburg ở châu Âu… Đặc biệt, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ ĐVHD đã ghi nhận hơn năm triệu người mắc; hơn 300 nghìn người chết. Nguyên nhân khiến những vi-rút nguy hiểm bên trong ĐVHD lây lan sang con người chính là do việc săn bắt, giết mổ các loài ĐVHD để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dựa trên những đồn đoán về tác dụng đối với sức khỏe con người của các sản phẩm từ ĐVHD. Tại châu Á, Trung Quốc, Việt Nam được coi là những thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn nhất. Điển hình như tê tê là một trong những loài bị săn bắt, buôn bán nhiều nhất, thực trạng này xuất phát từ niềm tin về vảy tê tê, thịt tê tê có thể chữa được bệnh và nâng cao sức khỏe, mặc dù cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh. Do vậy, có thể khẳng định, hành vi xâm phạm tự nhiên của con người không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái, môi trường mà còn trực tiếp tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Đại dịch Covid-19, là một trong những minh chứng cho thấy mối nguy hiểm chết người đến từ chính thái độ coi thường tự nhiên của con người hiện nay…
Việt Nam, luôn được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm mới nổi lây truyền từ vật nuôi, ĐVHD. Thời gian qua. Việt Nam đã ghi nhận các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS); cúm gia cầm A/H5N1, với tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm, với số ca gây chết người đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, hơn 90% số người mắc bệnh dại là do lây nhiễm từ chó. Mặc dù bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc-xin kịp thời, đúng và đủ liều; tuy nhiên số người chết do bệnh dại vẫn xấp xỉ 100 người/năm. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật lây sang người rất cao.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép bằng việc ban hành Luật ĐDSH; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nhiều văn bản khác có liên quan đã tạo hành lang pháp lý khá đồng bộ cho việc thực hiện Luật ĐDSH, góp phần tích cực trong việc bảo vệ các loài ĐVHD tại Việt Nam… Bộ Y tế cũng tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu từ năm 2014 và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu mối điều phối các hoạt động của gói Hành động phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người (ZDAP), với mục tiêu tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên trong việc phát hiện, dự phòng, ứng phó xuất phát từ các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người…
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường trên địa bàn phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD tại các chợ động vật tự phát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD. Hướng dẫn các cơ sở gây nuôi ĐVHD, tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với vật nuôi và thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm…
Các cơ quan quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng ĐVHD trong y học, đẩy mạnh nghiên cứu, điều chế các nguồn dược liệu thay thế, nâng cao trách nhiệm bảo tồn động vật, thực vật quý hiếm, giữ gìn sự ĐDSH. Quản lý tốt hơn nữa các nguồn dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, đưa ra các chiến lược quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam và đề xuất những dược liệu có thể bào chế, sản xuất thay thế các dược liệu nguồn gốc từ động vật.