Những ngày dịch cúm Covid-19, các phố Đông y tại TPHCM (gồm Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục… ), tấp nập người tới tìm mua các vị thuốc phòng ngừa bệnh cúm.
Một nhà sư tới mua thuốc nói: “Nhà chùa xưa nay quen dùng thuốc Nam, nay cũng tìm tới để kiếm những thuốc giúp nâng cao sức khỏe”.
“Hết thuốc Bắc”!
Chị Quế Hương, điều hành công ty Ecolite ở quận 7, TPHCM sản xuất tinh dầu nói: “Dịch cúm Covid-19 nổ ra, các quý cô thích dùng cồn kết hợp tinh dầu có mùi thơm để khử trùng khiến cho thị trường tinh dầu cung lớn hơn cầu, làm bao nhiêu cũng không đủ. Lâu nay tinh dầu được nhập khá nhiều từ Trung Quốc, khi biên giới ngừng mua bán thì tinh dầu khan hiếm”. Các đợt dịch cúm từng xảy ra, đều dẫn đến việc khan hiếm tinh dầu.
Chị Quế Hươngchia sẻ: “Dịch Covid -19 xảy ra từ Tết đến giờ, ngay cả tinh dầu tràm sản xuất tại Việt Nam cũng khan hiếm chứ chưa nói gì tinh dầu ngoại nhập. Không chỉ thiếu thốn tinh dầu mà ngay cả lọ đựng tinh dầu cũng cạn kiệt. Chúng tôi phải xếp hàng từ 4 giờ sáng, cứ mỗi nơi mua một ít, cả ngày mới thu gom được 2.000 lọ đựng tinh dầu về để sản xuất”. Những lọ cồn pha tinh dầu có mùi thơm, giá hàng trăm ngàn đồng, được bán rất chạy. Đơn hàng gửi về cho các cơ sở sản xuất tới tấp, nhưng không đủ tinh dầu để sản xuất.
Có mặt ở phố Đông Y quận 5, phóng viên gặp cảnh các nhà thuốc, các tiệm bán dược liệu “nói không” với người mua hàng đến từ các tỉnh phía Nam. Nhiều người đến phố thuốc và phải về tay không.
Tiệm dược liệu lâu đời tại phố thuốc Đông y là Dưỡng Ký hầu như không còn hàng thuốc Bắc để bán. Chị Mỹ, nhân viên bán dược liệu nói: “Các bao tải đựng thuốc của chúng tôi dựng lên cho đẹp vậy thôi, chứ bên trong trống rỗng, chỉ còn đôi chút dược liệu thôi. Số là từ Tết đến giờ không có thuốc Bắc từ bên Trung Quốc mang sang nữa!”.
“Khốc liệt” dược liệu cổ truyền
Nguồn dược liệu thuốc Bắc khan hiếm không chỉ vì giao thương ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc bị hạn chế để ngăn virus Covid -19 mà các chuyên gia đông y cũng lý giải việc Trung Quốc đang triệt để sử dụng thuốc Đông y vào điều trị bệnh nhân nhiễm Covid -19, khi chưa có thuốc Tây y đặc trị căn bệnh này.
Trong cuộc họp báo chiều 17/2/2020, bà Tưởng Kiện, Vụ trưởng Vụ hành chính y tế Cục quản lý Trung y dược Quốc gia Trung Quốc cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Trung y dược đã tham gia điều trị cho tổng cộng 60.107 người bệnh Covid-19 trên cả nước, chiếm 85,2%. Các khu vực ngoài Hồ Bắc, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng Trung y dược được chữa khỏi xuất viện và cải thiện bệnh tình chiếm 87%”.Theo số liệu công bố trước đó, riêng ở tỉnh Hồ Bắc, hơn 75% số ca bệnh tại đây cũng được sử dụng thuốc Đông y trong quá trình điều trị. Có tỉnh ngoài Hồ Bắc, như Giang Tây, tỷ lệ này lên tới 95%.
Phố Đông y quận 5 TPHCM là trung tâm buôn bán dược liệu Đông y lớn nhất Việt Nam, với hai nguồn dược liệu thuốc Bắc và dược liệu thuốc Nam. Anh Ái, chủ tiệm dược liệu lớn có hai mặt tiền tại phố thuốc Đông Y, nói: “Dược liệu thuốc Bắc xưa nay đa số nhập từ Trung Quốc. Từ Tết đến giờ chúng tôi chưa thấy bất kỳ một ai đưa được thuốc Bắc từ Trung Quốc sang bán. Chúng tôi đang mỏi mắt chờ chuyến hàng đầu tiên đây!”.
Những người bán thuốc Đông Y nói: “Dịch cúm, người ta hạn chế đi ra đường, ở nhà thì không thể tự uống thuốc Tây phòng bệnh được, mà phải có bác sĩ kê đơn. Nhiều người tìm đến thuốc Đông y, mua thuốc bổ về uống, mua các thuốc phòng chống cảm cúm. Chưa bao giờ người ta tìm đến Đông y nhiều như bây giờ”.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa phòng khám Tuệ Lãng kể: “Nhiều người hạn chế ra đường, nhưng gọi điện cho chúng tôi để hỏi mua thuốc, đóng gói gửi cho họ”. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa lo ngại: “Mấy hôm nay, bạn bè tôi ở các phòng khám Đông Y đều cho biết giá dược liệu tăng gấp 3 lần mà không dễ mua. Nếu tình hình kéo dài, rất khó cho các phòng khám Đông y hoạt động tốt”. Tại tiệm thuốc và dược liệu Sáu Phong, chị bán hàng người Nghệ Ancũng nói như vậy: “Thương cho người nghèo! Nhiều mặt hàng dược liệu giá tăng gấp 3 lần so với trước Tết mà cũng không có để bán”.
Thuốc Nam lên ngôi
Trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước; còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà phần lớn từ Trung Quốc.
Việc khan hiếm dược liệu từ Trung Quốc cũng đồng thời mở ra xu thế sử dụng thuốc Nam do Việt Nam tự trồng. Liên tục những ngày qua, nguồn dược liệu thuốc Nam từ các tỉnh được đưa về bổ sung vào các cửa hiệu.
Tiệm thuốc Đông y Hải Minh, các nhân viên đang phơi Mã Tiền, một vị thuốc Nam. Người bán thuốc cho biết: “Khách hỏi mua thuốc Bắc, không có thì phải xin lỗi các cô bác thôi. Chúng tôi khuyên mọi người chuyển sang dùng thuốc Nam thay cho thuốc Bắc, công dụng cũng như nhau mà giá cả rẻ hơn, dược liệu thuốc Nam hiện cũng vẫn còn”.
Anh Ái, chủ nhà thuốc Đông Y cũng nói: “Chúng tôi đang tìm nguồn thuốc Nam từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để bù đắp cho việc thiếu hụt dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Việc khan hiếm dược liệu hiện nay là hệ quả của việc chúng ta chưa coi trọng việc phát triển các vùng dược liệu nội địa. Thực chất, chúng ta có thể chủ động nguồn dược liệu vì chúng ta có rất nhiều cây thuốc quý”.
Để minh chứng, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho phóng viên xem vị thuốc Hổ Trượng, và nói: “Hiện bên Trung Quốc đang lùng vị thuốc Hổ Trượng, do các nhà khoa học Trung Quốc đã viết trên báo việc sử dụng Hổ Trượngkhá hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cây thuốc này, Việt Nam ta trồng và sử dụng trong chữa bệnh cúm từ lâu”.
22/2/2020
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Học trò của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi) kiến nghị: “Để thúc đẩy ngành y học cổ truyền bằng thuốc Nam, cần đẩy mạnh việc nuôi trồng dược liệu ở các vùng núi từ đồng bằng đến hải đảo, kiểm soát việc thu hái cây thuốc trong thiên nhiên để bảo tồn nguồn dược liệu, đồng thời khẩn trương nghiên cứu phổ biến các bài thuốc Nam để thay thể các bài thuốc Bắc, tránh việc phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ Trung Quốc”.