Việt Nam đã bước qua giai đoạn 2 của dịch Covid-19 với nhiều thích tích ‘đáng nể’. 332 ca mắc, chưa có trường hợp nào tử vong. Các bệnh nhân nặng đều được cứu chữa thành công.
Phóng viên Vietnamnet.vn đã có cuộc trao đổi với PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của Bộ Y tế về nguyên nhân, giải pháp Việt Nam đã đưa ra giúp chúng ta thành công được quốc tế khen ngợi.
Xin chào PGS Nguyễn Đắc Phu, như vậy đến nay đã gần 60 ngày Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng và số ca mắc Covid-19 là 332 ca, chưa có ca nào tử vong. Đây thực sự là một thành công lớn của nước ta khiến bạn bè quốc tế khen ngợi. Ông có thể cho biết vì sao chúng ta lại đạt được những thành công trong dịch Covid-19?
PGS Trần Đắc Phu: Đúng là đến thời điểm này, Việt Nam là nước được Quốc tế đánh giá cao với việc thành công trong chống dịch với số ca mắc thấp, không có ca tử vong.
Để có được những thành công như thế, chúng ta đã nhận định tình hình dịch sớm, cảnh giác với các dịch bệnh lây theo đường hô hấp: SARS, cúm A(H1N1, H5N1, H7N9…), MERS-Covi, các bệnh mới như EBOLA, bệnh không rõ nguyên nhân.
Cảnh giác dịch bệnh lây lan nhanh, và hiện nay nhiều bệnh có tính toàn cầu: chỉ trong vòng 24 giờ dịch bệnh từ quốc gia xa xôi nhất có thể xâm nhập vào Việt Nam và ngược lại. Ngay từ khi có các ca bệnh từ Trung Quốc, chúng ta đã chủ động có kế hoạch phòng bệnh ngay dù lúc đó chưa rõ là bệnh gì mà chỉ là “nghi Sars”.
Khi dịch ở Trung Quốc lan rộng, chúng ta đã chọn giải pháp chuyên môn mà theo tôi 6 giải pháp này thực sự là rất đúng.
Thứ nhất, Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng triệt để – Dập dịch quyết liệt – Điều trị và nhờ có giải pháp đúng đắn nên ổn định và đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục được duy trì mãi về sau.
Thứ hai, truy vết thành công, đưa các hình thức cách ly kịp thời hiệu quả.
Thứ ba, các nghiên cứu hiệu quả đáp ứng kịp thời cho phòng chống dich: Xét nghiệm phát hiện, nuôi cấy vi rút, chế tạo Test kit…Khoanh vùng, phong tỏa…
Thứ tư, xây dựng đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn: giám sát, điều trị, cách ly, phong tỏa, phòng chống, đáp ứng. Thành lập đội cơ động nhanh. Không chỉ các hướng dẫn của Bộ Y tế mà các cấp, các ngành đều có hướng dẫn đặc thù trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ năm, các hướng dẫn đầy đủ, cụ thể: Đeo khẩu trang, Rửa tay, phòng bệnh khi đang có dịch, phòng bệnh trong lúc giãn cách cộng đồng, trong điều kiện mới…
Thứ sáu, áp dụng 4 tại chỗ cả dự phòng và điều trị. Đây là những giải pháp dài hơi và an toàn hơn. Tôi nghĩ đây là những giải pháp rất Việt Nam phù hợp với nền kinh tế cũng như hệ thống y tế. Nếu chúng ta đã “vỡ trận” như các nước khác thì không thể có những ca bệnh như ca 19 được ra viện. Và ca 91 nữa, chúng ta đã dành tất cả tiềm lực y tế sẵn có để cứu những bệnh nhân thập tử nhất sinh và vì thế chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Dịch Covid-19 lần này thể hiện được tư tưởng chỉ đạo quyết liệt: Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”. Lời kêu gọi của Tổng Bi thư, Chủ tịch Nước. Toàn xã hội vào cuộc như Ban Bí thư có Chỉ thị, Thủ tướng có chỉ thị, các địa phương có chỉ thị, toàn dân tham gia. Toàn xã hội tham gia: Đặc biệt là Y tế, Quân đội, Công an, hệ thống cơ sở mạnh đặc biệt là y tế cơ sở.
Lịch sử dịch SARS 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tuyên bố hết dịch, đến lần này chúng ta khống chế thành công dịch Covid-19. Theo ông kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh của chúng ta như thế nào?
PGS Trần Đắc Phu: Thực tế Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh. Khi nghe dịch mới dù chưa rõ như thế nào nhưng chúng tôi những người làm công tác dự phòng bệnh truyền nhiễm đã rất để ý. Chúng tôi theo dõi sát sao thông tin dịch ở Trung Quốc. Lúc đó, mọi nghi ngờ dịch vẫn chỉ là từ động vật lây cho người, chưa có bằng chứng người lây cho người.
Nhưng khi đó người bệnh có triệu chứng như SARS nên nó như một kinh nghiệm có sẵn, không cần phải suy nghĩ, lên kịch bản tình huống nhiều mà chúng tôi nghĩ ngay con đường truyền lây bệnh qua đường hô hấp.
Bệnh lây qua đường hô hấp sẽ nguy hiểm và có thể lây lan rộng trong cộng đồng. Khi WHO chưa có hướng dẫn cụ thể phòng chống bệnh thì Việt Nam đã có hướng dẫn phòng chống bệnh Covid-19 dựa theo các bằng chứng lây lan của virus qua đường hô hấp. Chúng ta đã nhanh chóng khuyến cáo đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng. Tôi nghĩ, chúng ta đã đưa ra các hướng dẫn phòng bệnh sớm và đúng.
Gần 6 tháng từ ca bệnh Covid-19 số 1, cả nước tập trung cao độ vào phòng chống Covid-19. Có thời điểm ăn ngủ cùng Covid -19, những người làm công tác dự phòng họ là những chiến sĩ hi sinh thầm lặng và trên tuyến đầu phòng chống dịch. Sự vất cả của họ như thế nào thưa ông?
PGS Trần Đắc Phu: Những ngày dịch Covid-19 “nóng” không chỉ trên tivi, trên đài phát thanh, báo chí mà người dân nắm bắt thông tin. Ngay cả những người làm công tác phòng chống dịch như chúng tôi cũng làm việc ngày đêm để có giải pháp chống dịch tốt nhất. Đặc biệt là những người làm dự phòng, xét nghiệm.
Ban chỉ đạo Quốc gia đã phải thường xuyên họp để bàn về những đáp ứng của Việt Nam trong giai đoạn mới. Cứ 2 ngày 1 lần, khi dịch cao điểm vào tháng 3 phải họp đột xuất nhiều. Thứ bảy, Chủ nhật, Tết cũng đều phải làm việc hết. Và đúng nghĩa là làm việc không đêm, không ngày, làm tất cả những việc có thể làm, ngăn chặn và giải quyết nguy cơ. Quan điểm của Việt Nam trong giai đoạn 2 dịch lây trong cộng đồng này là kiên trì với những phương pháp chống dịch đã xây dựng được đó là phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Những ngày phòng chống bệnh, tôi thấy những đồng nghiệp của mình như bên Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực sự họ cũng không có ngày nghỉ. Đây là dịch hoàn toàn mới những buổi đầu còn khó khăn từ nhận định virus, các test xét nghiệm… Mọi thứ đều mới mà đã mới thì sẽ rất vất vả phải tìm tòi nghiên cứu rất kỹ. Chúng ta đã xây dựng kịch bản cho tất cả các tình huống để ứng phó với dịch một cách chủ động nhất.
Phương Thúy