‘Chúng ta phải giảm số ca dương tính ngay bây giờ. Nếu không chúng ta sẽ không thể đương đầu nổi’.
Trong những ngày qua, Christian Drosten nổi lên như tiếng nói của lý lẽ khoa học cho toàn thể dân Đức trong đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Angela Merkel cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn mời ông tham vấn về chính sách đối phó với dịch bệnh, dù ông thường xuyên khẳng định mình chỉ là “nhà khoa học”, không phải chính trị gia.
Hiện là nghiên cứu trưởng về virus học cho bệnh viện nghiên cứu đại học Charité tại Berlin, Đức, ông công khai công bố bằng luận cứ khoa học thuyết phục cho toàn thể dân Đức hiểu về những virus thuộc họ SARS, đối tượng nghiên cứu suốt nhiều năm qua của ông.
Zing dịch lại cuộc phỏng vấn của ông với phóng viên Florian Schumann của tờ Zeit Online (Đức) về khi nào thì đại dịch kết thúc, và tất cả sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao.
– Zeit Online: Cuộc sống thường nhật chúng ta đang thay đổi. Ông lo ngại không?
– Christian Drosten: Như bao người khác, tôi từng từ chối đối mặt thực tế đến một mức nào đó. Tôi từng hy vọng dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng đến tôi và gia đình. Nhưng chuyện đó hoàn toàn thể xảy ra. Và giờ vẫn có người hoàn toàn không chịu đối mặt với thực tế mới này.
– Người dân Đức đang lắng nghe ông và những phát ngôn của ông đều rất có trọng lượng. Vai trò này tác động thế nào tới ông?
– Tôi chấp nhận vai trò này một cách tự nhiên. Tôi cũng cảm thấy hơi chút ngợp khi phải trả lời truyền thông lẫn tư vấn cho các chính trị gia. Tôi không phải chính trị gia, tôi là một nhà khoa học. Tôi rất vui được giải thích những gì tôi biết.
Những phát hiện khoa học phải được thông tin minh bạch đến mọi người, để ai nấy đều hiểu được tình hình. Nhưng tôi cũng thành thật về những gì tôi không biết. Tôi luôn như thế.
– Cả nước Đức đang chững lại. Nhiều trường học và nhà giữ trẻ phải đóng cửa. Chính phủ có đang phản ứng đúng đắn?
– Một số quyết định hoàn toàn dựa trên bằng chứng khoa học. Nhiều quyết định khác chỉ mang tính chính trị, và vẫn đúng. Vài quyết định khác chắc chắn được ảnh hưởng bởi những biện pháp cứng rắn ở những nước láng giềng.
Nhưng dù sao chăng nữa: Tôi có cảm giác có một công tắc đã được bật lên trên khắp nước Đức. Giờ đây nước Đức quyết định cấm các sự kiện công cộng và đóng cửa nhà trẻ, trường học.
– Có ý kiến nói ông đóng vai trò chính trong quyết định đóng cửa trường học. Đó có phải quyết định đúng đắn cho hoàn cảnh hiện tại?
– Tôi không biết. Có lẽ cũng phải đến sau này mới biết liệu quyết định này có đúng lúc hay không. Tôi luôn bảo lưu quan điểm rằng những nhà khoa học từ những ngành khác cũng phải được lắng nghe, và loại quyết định đó (đóng cửa trường học) nằm ngoài phạm vi năng lực của một nhà virus học như tôi.
Tôi không xem nghề nghiệp của mình là gom gọn hết sự thật, mà để giải thích các khía cạnh của sự thật, chừa chỗ cho sự không chắc chắn và nói rằng: “Chúng tôi không biết” – vốn là điều khiến cho một quyết định chính trị là cần thiết. Và miễn đó được xem như một quyết định chính trị, tôi nghĩ điều đó ổn.
– Liệu các biện pháp này sẽ có hiệu quả?
– Hy vọng thế, chúng sẽ làm thay đổi một cách triệt để cơ chế lây lan của dịch bệnh này.
Có thể chúng ta sẽ đánh giá được điều này vào dịp lễ Phục Sinh (12/4). Có thể chúng ta thấy có ít người nhiễm bệnh hơn mức dự báo. Có thể số người nhiễm bệnh sẽ “phẳng” hơn trên đồ thị. Tuy nhiên, ban đầu thì sẽ chưa có nhiều thay đổi với tỷ lệ tử vong, vì những ai sẽ qua đời trước dịp lễ Phục Sinh thì hiện đã nhiễm bệnh, hoặc sẽ nhiễm bệnh trong những ngày tới.
Hơn nữa, những quyết định gần đây sẽ không có hiệu quả tức thì. Sẽ mất một thời gian để người ta tìm cách thích nghi và hiểu rằng họ không nên tụ tập đông người nữa. Người ta sẽ cần thời gian làm quen với điều này.
– Những biện pháp cứng rắn hơn, chẳng hạn cấm người dân ra khỏi nhà vì lý do không thiết yếu, đang được chính phủ Đức cân nhắc – chủ yếu vì không phải ai cũng hiểu là họ phải ở trong nhà và giảm thiểu tiếp xúc với người khác, nhằm bảo vệ cộng đồng chung.
– Những biện pháp như thế là rất mới (với người Đức), nhưng hầu hết người ta sẽ hiểu nó. Sẽ luôn có người bất tuân. Và tôi không chắc, xét trong bối cảnh dịch bệnh, việc phạt từng người không làm theo luật là cần thiết hay không.
– Vậy ông sẽ không nói rằng: “Từ bây giờ, không ai được ra ngoài?”
– Tôi là ai mà được quyền nói điều như vậy? Tôi có thể nói thế trong vai trò một nhà virus học, trong lĩnh vực của mình, đến một mức độ nào đó, rằng đây là cách mà mọi thứ nên là. Những thứ khác nằm ngoài phạm vi năng lực của tôi. Bên ngoài vai trò một nhà virus học, tôi còn làm công dân. Tôi không phải làm theo mong muốn của cử tri.
Nhưng tôi tin rằng việc đóng cửa quán bar, nhà hàng, nhà giữ trẻ và trường học cũng như hoãn các sự kiện công cộng đã giúp chúng ta đạt được những hiệu quả lớn. Mục đích sau cùng là ngăn càng nhiều người càng tốt khỏi tiếp xúc với nhau.
– Ông đánh giá thế nào cách nước Đức xử lý bước đầu tiên của đại dịch?
– Tôi tin là nước Đức nhận biết về cơn bùng dịch của mình từ rất sớm. Chúng ta nhanh tay hơn những nước láng giềng từ hai đến ba tuần. Điều này có được nhờ thực hiện rất nhiều cuộc chẩn đoán và xét nghiệm.
Tất nhiên, chúng ta cũng bỏ sót vài trường hợp trong những ngày đầu tiên, việc này luôn xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ nước Đức đã bỏ qua một cơn bùng dịch lớn.
Nhận định này được củng cố bằng thực tế là chúng ta đang chứng kiến số ca nhiễm ở Đức tăng đúng như dự báo, đồng thời chúng ta có số ca tử vong thấp hơn những quốc gia khác. Vì thế, có thể kết luận chúng ta còn cách không xa tổng số ca nhiễm.
Chúng ta không nhận diện được tất cả số ca nhiễm, song nhìn một cách tương đối, chúng ta đang phát hiện được nhiều số ca nhiễm hơn những nước đang tiến hành ít xét nghiệm hơn.
– Ví dụ như Italy?
– Tại Italy, người ta chủ yếu chỉ xét nghiệm cho những người được nhập viện.
Vì họ biết đằng nào cũng không thể xét nghiệm đủ, nên ban đầu người dân Italy chọn cách ở nhà, dù họ phát sinh triệu chứng. Họ chỉ đến bệnh viện khi tình trạng đã tệ đi.
Lúc nhập viện là họ đã khó thở và được chuyển vào phòng hồi sức đặc biệt, và ở đó họ mới được xét nghiệm lần đầu. Đó là lý do tại sao độ tuổi trung bình của những bệnh nhân được ghi nhận lại cao hơn ở Italy so với Đức.
Tôi đoán nhiều người Italy trẻ đang hoặc đã bị nhiễm virus mà không hay biết. Điều này cũng lý giải cho tỷ lệ tử vong cao hơn tại Italy.
– Chúng ta còn có thể duy trì xét nghiệm tại Đức trong bao lâu nữa?
– Đến một lúc nào đó, việc này sẽ không còn khả thi nữa. Chúng ta đơn giản là không thể tăng năng lực xét nghiệm theo kịp với tốc độ tăng của số ca nhiễm bệnh. Khi đó hai điều sẽ va vào nhau: Đầu tiên, một số lượng người hiện đang mắc Covid-19 sẽ tử vong.
Tiếp theo, vì chúng ta không thể xét nghiệm tất cả mọi người, số liệu thống kê của chúng ta sẽ không đầy đủ. Tỷ lệ tử vong của chúng ta cũng sẽ tăng. Virus sẽ tỏ ra nguy hiểm hơn, nhưng đây chỉ là một lỗi thống kê, một độ lệch nhất định. Nó chỉ đơn giản là cho thấy những gì đã và đang bắt đầu xảy ra: Là chúng ta đang bỏ sót thêm nhiều ca nhiễm.
– Vậy giải pháp là gì?
– Chúng ta phải chọn đi đường tắt. Ví dụ, nếu một người thuộc một hộ gia đình cho kết quả dương tính, chúng ta sẽ xem cả hộ gia đình đó cũng dương tính, dù không cần xét nghiệm. Vì chúng ta biết đó là điều sẽ xảy ra: Một thành viên gia đình nhiễm bệnh, họ sẽ lây cho những người còn lại. Nếu bạn nói ngay là toàn bộ gia đình bạn là dương tính, bạn đã tiết kiệm được rất nhiều cuộc xét nghiệm.
Thử tưởng tượng bạn bị nhiễm virus, và ngày hôm sau vợ bạn phải đi xếp hàng chờ xét nghiệm. Rồi tưởng tượng tiếp là chưa có kết quả xét nghiệm ngay, thế là cô ấy phải quay trở lại đó. Như thế thật vô nghĩa. Nên tốt nhất là cả gia đình tự cách ly tại nhà ngay từ ban đầu. Ở Hà Lan người ta đã làm thế và tôi đề nghị nước Đức cũng làm theo sau những thảo luận với cơ quan y tế.
– Còn lựa chọn nào không?
– Đến lúc nào đó, những ca nghi nhiễm sẽ được báo cáo chỉ dựa trên các triệu chứng, và các số liệu thống kê sẽ cho thấy điều này. Cùng lúc đó, những bộ xét nghiệm có sẵn sẽ phải để dành cho những người có nguy cơ cao nhất.
Nếu một sinh viên khỏe mạnh đang ở nhà xem Netflix, thì với tư cách bác sĩ, tôi không cần biết cô ấy có dương tính hay không. Cô ấy nên ở yên trong nhà và chờ mình khỏe lại.
Nhưng nếu một bệnh nhân 70 tuổi bị ốm và cách ly tại nhà, tôi sẽ xét nghiệm để xem ông có nhiễm bệnh hay không, và cứ hai ngày tôi sẽ gọi để hỏi ông thở có ổn không. Như thế, ông sẽ được nhập viện đủ sớm.
– Liệu có những bộ xét nghiệm cho ra kết quả sớm hơn những bộ xét nghiệm hiện tại?
– Đã có những bộ như thế bán trên thị trường, chủ yếu là những bộ xét nghiệm phát hiện được kháng thể. Chất lượng của chúng không đồng nhất. Và chúng có tác dụng sau 10 ngày, vì đó là thời gian để cơ thể người bệnh sinh ra kháng thể. Trong 10 ngày đầu tiên, những bộ xét nghiệm này hoàn toàn mù. Chúng ta phải chờ người ta làm ra những bộ xét nghiệm kháng nguyên, vốn có khả năng phát hiện protein của virus.
Những bộ xét nghiệm này khi đó sẽ hoạt động giống que thử thai – và chúng sẽ cho ra kết quả nhanh tương đương. Nếu những bộ xét nghiệm này có hiệu quả, chúng sẽ hoàn toàn thay thế những bộ xét nghiệm hiện tại. Tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra vào tháng 5.
– Đến lúc đó thì hàng triệu người có thể đã nhiễm rồi. Các bệnh viện và phòng khám trên khắp nước Đức chuẩn bị cho viễn cảnh đó ra sao?
– Dù bạn tính toán kiểu gì hay nói chuyện với ai, chúng ta cần phải giảm số ca nhiễm xuống ngay bây giờ. Nếu không chúng ta sẽ không thể đương đầu được với đại dịch. Nếu không chúng ta sẽ gặp đúng vấn đề mà Italy đã gặp chỉ trong vài tuần. Hiện Đức có nhiều giường bệnh hơn, có thể người của chúng ta được huấn luyện tốt hơn một chút.
Nhưng dù công tác hồi sức đặc biệt của Đức tốt tới đâu chăng nữa thì cũng không đủ. Dựa trên số liệu hiện tại, chúng ta sẽ cần tăng gấp đôi công suất hồi sức đặc biệt để giúp trợ thở cho bệnh nhân.
– Hãy nói về con virus. Ông nghiên cứu về các chủng virus corona trong rất nhiều năm. Điều gì làm ông ngạc nhiên nhất về SARS-CoV-2 đến thời điểm hiện tại?
– Chắc chắn là cách mà nó sinh sôi trong cổ họng người bệnh. Với virus SARS, vốn gây ra dịch bệnh năm 2002-2003, chúng tôi không thể cách ly nó trong cổ họng. Bệnh nhân SARS có ít virus hơn trong cơ thể họ và mầm bệnh khi đó ít lây lan hơn.
Ngoài ra, loại virus corona mới chứa đựng sự đổi mới đáng kinh ngạc về mặt sinh học nằm bên trên protein bề mặt của nó: Địa điểm phân chia của một enzyme nằm trên protein bề mặt của nó. Trong trường hợp của bệnh cúm gia cầm, việc tồn tại địa điểm phân chia này hay không tạo ra sự khác biệt giữa việc vật chủ ốm rất nặng hoặc không.
– Địa điểm phân chia này có gì đặc biệt?
– Proten bề mặt phải bị chia cắt để virus trưởng thành và xâm nhập vào tế bào tiếp theo. Và địa điểm phân chia này có thể cho phép virus được chia cắt ngay cả khi nó chỉ vừa ra khỏi tế bào bị nhiễm trước đó.
Giống như bạn dễ xé tờ giấy khỏi cuốn sổ hơn vì nó đã có sẵn những răng cưa. SARS-CoV-2 có những răng cưa như vậy.
– Điều này có ý nghĩa gì với căn bệnh này?
– Chúng tôi chưa biết rõ. Nó có thể cho phép virus trưởng thành ngay khi vừa rời khỏi tế bào để sẵn sàng xâm nhập vào tế bào tiếp theo. Đây có thể là lý do SARS-CoV-2 sinh sôi tốt đến thế trong cổ họng và lây lan dễ đến thế. Giờ đây chúng tôi đang tìm hiểu tất cả.
– Người già và người có sẵn bệnh nền đặc biệt có nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Nhưng vẫn có nhiều báo cáo cho thấy những ca nhiễm và tử vong đối với bệnh nhân trong độ tuổi 30. Tại sao?
– Trên truyền thông, bạn thường nghe thấy những dòng tít như: “Một bệnh nhân 35 tuổi đang nằm hồi sức đặc biệt.” Nhưng cơ thể một người 35 tuổi có thể đã có rất nhiều bệnh nền. Chẳng hạn, chúng ta biết thừa cân là yếu tố rủi ro đóng góp lớn vào tỷ lệ tử vong của COVID-19, cụ thể là bệnh tim mạch vì nó làm vôi hóa động mạch vành. Bệnh viêm phổi thì gây ra áp lực lớn lên hệ tim mạch. Nếu hệ này đã bị hư hỏng từ trước, thì bất cứ áp lực nào cũng có thể khiến nó sụp đổ.
Và hiện có rất nhiều người trong độ tuổi 35-50 đang sống với những yếu tố rủi ro như vậy trong cơ thể. Giả thuyết khác là người ta hít vào lượng lớn virus trực tiếp vào phổi của họ. Rồi virus này lập tức sinh sôi ngay trong đường hô hấp mà trước đó không kích hoạt bất cứ phản ứng miễn dịch nào trong cổ họng. Thế là cơ thể họ lập tức nhiễm bệnh mà cơ thể không kịp chống đỡ. Nhưng như tôi vừa nói, đây chỉ là giả thuyết.
– Ông thường nói sẽ không kịp có thuốc hay vaccine nào cho dịch bệnh này. Chẳng lẽ không có hy vọng nào sao?
– Có thể tiên liệu rằng tình hình sẽ xấu đi đến mức nhiều nguyên tắc và luật lệ sẽ bị bỏ qua. Sẽ có khả năng người ta bỏ qua các quy trình tiêu chuẩn của việc thử nghiệm vaccine trong cơn khủng hoảng này, và thử nghiệm nó trực tiếp lên người sống. Đây là những viễn cảnh rất khắc nghiệt và người ta tưởng tượng ra.
Nhưng nếu mọi chuyện trở nên rất xấu – và tôi hiện không muốn loại bỏ khả năng này – một điều như vậy là có thể hiểu được.
– Vừa qua tại Mỹ, một tình nguyện viên thử vaccine đã được tiêm một loại vaccine thử nghiệm của hãng công nghệ sinh học tư nhân. Nó được dựa trên mRNA (ARN thông tin). Đây có phải cách làm đúng?
– Tôi không thể nói chắc được. Tôi nghĩ đó là cách làm nhanh. Tôi cũng không biết liệu đó có phải cách làm hàng loạt mà chúng ta cần. Hiện tại, có lẽ đây là protein bề mặt của virus có thể được sản xuất hàng loạt, và hệ miễn dịch của chúng ta sinh ra kháng thể với số lượng lớn để chống lại chúng.
Vài công ty đang theo đuổi cách làm này. Đây là loại vaccine có thể được dùng riêng cho nhóm có nguy cơ cao. Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng thật xấu, người ta có thể tưởng tượng ra viễn cảnh này.
– Đến mức nào thì mọi chuyện đủ xấu để người ta tiến hành những bước đi như vậy?
– Tôi không thể, và không muốn tưởng tượng về điều này vào thời điểm hiện tại.
– Ông thấy có loại thuốc nào nhiều hứa hẹn?
– Tôi thấy loại thuốc chống virus remdesivir là giải pháp tốt nhất. Ban đầu nó được làm ra để chữa Ebola. Các công trình nghiên cứu vẫn đang diễn ra, song hiện tại, hãng làm ra nó chỉ cho phép dùng thuốc này cho người bệnh đã rất nặng, và dù khi đó vẫn phải tuân theo một phác đồ đặc biệt và chỉ dùng trong một khung thời gian rất ngắn.
– Còn những thuốc khác?
– Tôi không thấy bất cứ giải pháp thay thế nào cả, từ thuốc chữa sốt rét chloroquine cho đến thuốc HIV ritonavir/lopinavir. Cả hai đều là đối tượng của nhiều cuộc nghiên cứu lâm sàng nhưng kết quả đều chưa thuyết phục.
– Italy đang thử nghiệm dùng huyết tương người đã khỏi bệnh để chữa cho bệnh nhân?
– Đó là ý tưởng rất thú vị. Vẫn chưa có nhiều dữ liệu công bố về liệu pháp này, nhưng có rất nhiều bệnh nhân trẻ, khỏe có thể cung cấp huyết tương chất lượng tốt.
Khi họ nhiễm virus, cơ thể họ thường sinh ra những loại kháng thể tốt nhất. Nếu được dùng cho bệnh nhân khác vào đúng thời điểm, đó có thể là một khả năng. Có thể sau hai tháng nữa, chúng ta sẽ có những phân tích nhỏ đầu tiên cho những ca điển hình.
– Thế còn về nhiệt độ tăng trong mùa xuân tới?
– Nó sẽ không thể giúp ngăn dịch bệnh, nhưng có thể sẽ có chút hiệu quả. Và kết hợp với các biện pháp cách ly, tôi rất kỳ vọng chúng ta sẽ nhìn thấy hiệu quả trong vòng một tháng tới.
– Rồi sao? Sau đó thế nào?
– Nhìn từ góc độ xã hội, có lẽ chúng ta sẽ phải trải qua cả một năm sống trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không phải tuân thủ quá chặt chẽ các biện pháp như hiện tại. Vài thứ sẽ giảm nhẹ bớt. Nhưng từ giờ cho tới tuần đầu tiên sau dịp lễ Phục Sinh, chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt và theo sát gắt gao số ca nhiễm mới.
– Hẳn một năm sống trong tình trạng khẩn cấp sao? Cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao trong giai đoạn này?
– Không ai biết cả. Tôi cũng chưa hình dung ra. Hơn tất cả, người ta phải tìm ra giải pháp nào đó cho các trường học. Đó là điều quan trọng nhất. Ở bậc đại học, tôi nghĩ không sao nếu bỏ một hoặc hai học kỳ, nhưng bỏ cả một năm học thì quá khó vì còn quá nhiều điều kéo theo nó, chưa kể là nền kinh tế của chúng ta. Và tất nhiên, chúng ta còn phải tìm ra giải pháp cho những ai có rủi ro lây nhiễm cao.
– Ông hình dung ra những giải pháp nào trong đầu rồi?
– Chẳng hạn chúng ta có thể ưu tiên xét nghiệm sớm cho người già và người có nguy cơ cao, và ưu tiên cho họ nhập viện trước. Cũng cần phải cách ly người già tại nhà.
Có thể xây dựng một tuyến xe đưa đón cho họ, và giúp mang hàng tạp hóa đến cửa nhà họ. Chúng ta có thể nghĩ đến việc dùng tình nguyện viên, thậm chí là từ quân đội Đức. Trong cuộc sống thường nhật, trẻ con cần phải được giữ xa khỏi người có nguy cơ lây nhiễm một cách tuyệt đối.
– Và khi đó trường học có thể mở cửa lại?
– Có thể sẽ phải nghĩ ra các biện pháp như nửa trường học dùng hàng lang này, và nửa còn lại dùng hàng lang nọ. Sẽ không còn giờ nghỉ giải lao dài hoặc ngắn. Phòng sinh hoạt chung sẽ không được dùng nữa và cần phải khóa lại. Bằng những biện pháp này, bạn có thể giảm hiệu quả quy mô các nhóm học sinh trong trường.
Điều này cần đến công tác kế hoạch, nhưng chúng ta có thời gian từ bây giờ cho đến tuần sau dịp lễ Phục Sinh. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần dữ liệu khoa học về tình hình tại các trường học.
Có lẽ cần phải xét nghiệm những người cháu trước khi cho họ gặp ông bà mình để đảm bảo an toàn cho ông bà của họ.
– Khi nào người dân có thể quay lại công sở làm việc?
– Trong thế giới y khoa, đã có những cân nhắc về việc xét nghiệm người dân để họ quay lại làm việc. Một khi các bộ thử kháng nguyên sẵn sàng, những cân nhắc này sẽ được mở rộng ra những đối tượng khác.
Hơn nữa, nếu chúng ta cho rằng trong làn sóng lây bệnh hiện tại sẽ có khoảng 10-15 triệu người nhiễm virus tại Đức từ giờ cho đến mùa thu, khi đó chúng ta sẽ có một số lượng lớn người có kháng thể, những người đã miễn dịch. Rồi khi đó sẽ có những bác sĩ và y tá làm việc mà không phải đeo mặt nạ.
– Những người như vậy sẽ miễn dịch trong bao lâu?
– Những người đã mắc bệnh sẽ được miễn dịch cho đến hết đại dịch, tôi nghĩ là khoảng vài năm. Và ngay cả khi nếu bạn bị nhiễm trở lại, thì nó sẽ chỉ là cơn cúm vô hại. Làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ không tệ như làn sóng đầu tiên. Ít nhất đó là dự đoán tốt nhất của tôi vào hiện tại.
– Làm sao chúng ta phát hiện ai đã nhiễm bệnh?
– Bằng cách thực hiện những cuộc nghiên cứu lớn trong cộng đồng, một lần vào mùa hè và một lần nữa vào tháng 10 năm nay. Lý tưởng mà nói, chúng ta sẽ cần trợ giúp từ những ngân hàng máu, nơi máu đã được trích xuất và lưu trữ.
Mục tiêu là thiết lập một hệ thống ước tính cho từng nhóm tuổi về việc đã có bao nhiêu người sống sót qua dịch bệnh và hiện trong người đã có kháng thể. Nhờ làm thế, chúng ta có thể biết được liệu chúng ta đã đạt đến mức 60-70% hay chưa, vốn cũng là tỷ lệ người dân nhiều khả năng sẽ bị nhiễm virus.
– Rồi virus sẽ biến mất sau một năm rưỡi?
– Không, nhưng nó nhiều khả năng sẽ đi theo lộ trình của những chủng virus corona khác, là trở thành những trận cảm lạnh vô hại. Chúng ta sẽ phải sống với chúng, nhưng khi đó chúng không còn nguy hiểm với những ai đã sống sót qua làn sóng dịch hiện tại.
– Tất cả nghe như một thách thức khổng lồ. Chúng ta có đủ sức đương đầu với tư cách một xã hội không?
– Sẽ rất khó khăn và sẽ có những tổn thất to lớn về kinh tế. Nhưng có chứ, tất nhiên chúng ta sẽ vượt qua được. Phải vượt qua thôi.