Chỉ cách đây chừng 1 tháng, giá thịt và trứng gia cầm đã giảm hơn một nửa khiến cho nhiều trang trại chăn nuôi đứng trước nguy cơ đóng cửa chuồng trại để giảm bớt thiệt hại.
Tình trạng giá gia cầm lao dốc mạnh kể từ sau Tết Canh Tý đến nay, nguyên nhân là do dịch cúm Covid – 19 và dịch cúm gia cầm vừa mới xuất hiện. Vào thời điểm trước Tết Canh Tý, tại khu vực miềm Đông Nam bộ như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.
Gà công nghiệp lông trắng loại 2-2,5 kg/con bình quân 25.000 – 26.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 10.000 – 13.000 đồng/kg, giá giảm phân nửa và được xem là thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Trước Tết, gà tam hoàng bình quân 50.000 – 60.000 đồng/kg, hiện giảm còn 18.000 đồng/kg. Loại gà thả vườn đã giảm từ 60.000 – 65.000 đồng/kg xuống còn trên dưới 25.000 đồng/kg;
Gà thịt giảm giá, giá trứng cũng giảm mạnh và khó tiêu thụ. Ngày 24/2, các loại trứng gia cầm sạch như Ba Huân loại 1 giá 25.000 đồng/hộp (10 trứng); trứng vịt 30.000 đồng/hộp; trứng gà CP 23.000 đồng/hộp. Trong khi đó, các loại trứng gia cầm thường bán ở chợ truyền thống, lề đường giá quá rẻ. Tại nhiều điểm bán lẻ trứng gà ở chợ truyền thống như chợ Tân Phú (quận Tân Phú), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), trứng gà bán lẻ giá 1.000 đồng/quả. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) một chiếc xe ba gác máy gắn loa mời khách hàng mua trứng gà với giá 30.000 đồng một giả 40 quả trứng. Theo người bán trứng gà bằng loa, mặc dù trứng gà bán rẻ nhưng vẫn ít người mua, trường hợp này chưa bao giờ xảy ra.
Ông Đinh Ngọc Long, chủ trại gà ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, với giá bán như hiện nay người chăn nuôi lỗ nặng và giải pháp khả dĩ hiện nay là ngừng nuôi để cắt lỗ. Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Đình Mai, chủ trại gà ở xã Gia Canh, huyện Định Quán chia sẻ, người nuôi gà trong thời điểm này nhiều cái khó hơn so với những lần giá xuống thấp trước đây. Bởi vì, giá gà xuống thấp nhưng giá cám, thuốc thú y, công chăm sóc không giảm, chưa hết, dù giá gà giảm nhưng sức tiêu thụ lại thấp nên gà đến lứa muốn bán cũng khó khăn.
Theo các hộ chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, dịch cúm Covid -19 khiến cho sức mua trên thị trường đối với sản phẩm gia cầm giảm mạnh. Trước đây, dù giá cả đắt hay rẻ sức tiêu thụ vẫn cao, do một lượng lớn thịt gia cầm, trứng gia cầm được các bếp ăn tập thể của các trường học, công ty, quán ăn, nhà hàng tiêu thụ, nay thì chưa hoạt động. Mặt khác, cùng với dịch cúm Covid -19, hiện tại dịch cúm gia cầm lại đang bùng phát tại 5 tỉnh thành cũng đã tác động trực tiếp đến tình hình chăn nuôi và tiêu thụ của ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm.
Trong năm 2019, thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, tổng đàn heo giảm 13,8%, trong khi các loại vật nuôi, thủy sản khác đều tăng trưởng cao so với năm 2018. Đặc biệt, tổng đàn gia cầm trong năm qua đã đạt 467 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1.278,6 tấn, trứng gia cầm khoảng 13,3 tỷ quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2019, Đồng Nai có tổng đàn gia cầm gần 27,8 triệu con, tăng trên 20,6% so cùng kỳ. Riêng tổng đàn gà gần 25,7 triệu con, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh vào dịp cuối năm ngoái là do dịch tả heo châu Phi, giá cao, sức tiêu thụ tốt khiến nhiều người nuôi heo chuyển qua nuôi gà.
Hiện tại, giá gia cầm xuống thấp, một số doanh nghiệp lớn tại khu vực miền Đông Nam bộ còn có khả năng cầm cự nhưng các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đang đối mặt với tình trạng mất vốn, thua lỗ. Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, nơi tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm gia cầm của các tỉnh miền Đông Nam bộ, một số doanh nghiệp giết mổ gia cầm ở chợ đầu mối Bình Điền thông tin, công suất giết mổ hiện chỉ đạt khoảng 60-70% so với bình thường, nhiều kho đông lạnh đã chứa đầy hàng, trong khi sức mua vẫn tiếp tục giảm.
Nghịch lý trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm hiện nay là giá bán ở chuồng trại rất rẻ nhưng người tiêu dùng mua rất đắt, do sản phẩm gia cầm từ trang trại đến tay người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian. Điều này dẫn đến, do giá cao người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, sản phẩm chăn nuôi giảm sản lượng bán ra và ế ẩm. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi gia cầm, người tiêu dùng cần quan tâm hơn với sản phẩm gia cầm trong các bữa ăn hàng ngày. Các đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm gia cầm giảm bớt một phần lãi để đưa giá cả về mức hợp lý giữa điểm nuôi và điểm bán cũng là cách để trực tiếp cứu ngành chăn nuôi gia cầm bớt nguy vào lúc này.