Các bệnh ung thư đều đã ở giai đoạn nặng khi phát hiện, trong 4 năm, bà Thuận phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, tiểu phẫu, 47 lần truyền hóa chất, 25 lần xạ trị.
Hơn 4 năm qua, bà Thuận chưa từng được ra viện. Không phải do loại bệnh mạn tính kéo dài dai dẳng, mà là ba trọng bệnh mệnh danh “án tử” nối nhau liên tiếp. Những người lạc quan nhất, trước đó cũng không dám tin bà Thuận có thể vượt qua sau từng ấy mệt mỏi, kiệt quệ. Thế nhưng, bà vẫn chiến đấu cùng bệnh tật, luôn lạc quan, yêu đời và hướng về phía trước.
Bà Phan Thị Thanh Thuận (65 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3 vào đầu năm 2016. Năm ấy, bà Thuận đưa bạn đi khám bệnh, tranh thủ nhờ bác sĩ tư vấn cho bản thân vì thấy một số biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa.
Sau khi tiến hành nội soi, bác sĩ kết luận bà có một khối u lớn trong đại tràng. Khối u sần sùi như da cóc, đã sắp vỡ, 90% là u ác tính. Bà được yêu cầu nhập viện ngay để tiến hành phẫu thuật. Ngay ngày hôm sau, ca mổ cắt bỏ khối u được tiến hành, sinh thiết khẳng định bà Thuận mắc ung thư đại tràng.
Mọi thứ đến quá bất ngờ khiến người phụ nữ vô cùng hoảng loạn. Từ trước đến nay, bà Thuận biết đến ung thư với cái tên “bệnh chờ chết”. “Tôi liên tục dằn vặt, vật lộn trong mớ suy nghĩ tại sao lại là mình, rồi mình sẽ ra sao. Không thể ăn, cũng chẳng thể ngủ, dù cơ thể sau mổ đã rất yếu. Nhưng rồi bình tĩnh lại, tôi nhận ra cần chấp nhận sự thật và lấy lại tinh thần, tìm cách chữa bệnh”, bà Thuận kể.
Những ngày sau đó, bà Thuận được cho truyền hóa chất liên tục, 2 tuần một lần, mỗi lần khoảng vài ba ngày. Hóa chất vào cơ thể khiến bà nôn ói không ngừng, toàn thân rệu rã, chân không thể bước đi, phải nhờ chồng con dìu hai bên hoặc đẩy bằng xe lăn khi di chuyển. Sau 11 lần truyền nhưng không đáp ứng, bà Thuận dừng thuốc, đổi phác đồ điều trị.
Giữa năm 2018, tin dữ lần nữa ập đến khi bà được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 3. Bác sĩ cho biết, bệnh của bà ở thể đột biến gene rất phức tạp, cần phẫu thuật cắt khối u, kết hợp truyền thuốc đích để ngăn chặn sự phát triển, lan rộng của tế bào ung thư. Sau đại phẫu, dịch ở ngực ứ đọng rất nhiều, bà trải qua thêm 2 ca tiểu phẫu để giải quyết vấn đề ứ dịch.
Phác đồ thuốc đích gồm 18 lần truyền, cách nhau 3 tuần một lần. Sau mỗi đợt lên bệnh viện điều trị, bà Thuận mất khoảng 1 tuần bị nôn ói không ngừng, không thể ăn uống. Bà luôn phải cố hết sức “bình sinh” ăn trở lại để có sức khỏe cho lần truyền tiếp theo.
Khi còn chưa hết phác đồ điều trị ung thư vú, cuối năm 2019, bác sĩ bất ngờ phát hiện trên phim chụp phổi của bà có vết mờ. Các xét nghiệm, chụp chiếu sau đó cho biết bà Thuận đã mắc thêm ung thư phổi do di căn từ đại tràng. Khối u lúc này có kích thước khoảng 1,8cm. Khi cắt u phổi, bà Thuận cũng phải cắt một nửa lá phổi trái. Điều này khiến người phụ nữ thường xuyên rơi vào tình trạng khó thở, kiệt sức.
Từ thời điểm phát hiện bệnh ung thư đầu tiên tới khi điều trị ung thư phổi, bà Thuận đã có 47 lần truyền hóa chất, 25 lần xạ trị. “Hiện tôi vẫn chưa được ra viện, cách 2 tuần lại phải vào Bệnh viện K Trung ương tiếp tục điều trị”, bà chia sẻ. Truyền thuốc nhiều tới nỗi, toàn bộ ven tay của bà đã hỏng hết, phải đặt một buồng truyền cố định ở ngực thay cho truyền ven.
Người phụ nữ 65 tuổi chia sẻ, trong suốt chặng đường gian nan ấy, đã có lúc bà muốn bỏ cuộc. Đó là thời điểm phát hiện bệnh ung thư thứ ba. “Sét đánh ngang tai” vì bệnh nối bệnh, sức khỏe đã quá kiệt quệ, lại thêm áp lực kinh tế, bà Thuận nghĩ mình không thể “trụ nổi”. Toàn bộ số tiền tích góp hai vợ chồng dành dụm trước nay cũng đã tan theo những lần truyền thuốc đắt đỏ.
Tuy nhiên, người thân đã ngăn cản ý định bỏ điều trị của bà Thuận. “Chồng con tôi không đồng ý việc bỏ thuốc. Họ nói, còn người là còn tất cả, chỉ cần tôi ở lại với gia đình”, bà Thuận xúc động kể.
Cô con gái mỗi ngày đều thủ thỉ với bà: “Mẹ ơi cố lên, mẹ là số 1”. Những lần tỉnh giấc sau phẫu thuật, bà Thuận lại thấy trước mắt hình ảnh rất đông người thân, bạn bè đứng chờ tin. Tình cảm ấy là lý do người phụ nữ không cho phép mình gục ngã: “Người thân của tôi không muốn mất tôi, tôi cũng không đành lòng rời xa họ. Vậy chỉ còn cách tôi phải chiến đấu với bệnh và vượt lên”.
Hiện tại, sức khỏe của bà đã ổn hơn, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn cần người giúp đỡ do tay chân, các giác quan đều rất yếu. Mỗi lần trái gió trở trời, bà đều quằn quại trong các cơn khó thở bởi ảnh hưởng của bệnh ung thư phổi.
Trải qua rất nhiều khó khăn, bà Thuận giờ đây luôn giữ tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường. Ngoài những ngày lên bệnh viện, bà thích tập hát, đi du lịch cùng gia đình và tham gia các câu lạc bộ dành cho bệnh nhân ung thư. Với câu cửa miệng “đau đâu chữa đó, ung thư không phải là hết” cùng dáng vẻ vui tươi, lạc quan, bà Thuận đã truyền lại động lực cho rất nhiều bệnh nhân cùng điều trị.
Người phụ nữ này không còn gọi ung thư là “án tử” và cũng chẳng quan tâm tới cái “án tử” ấy nữa. Với bà, mỗi ngày đều là quý giá, đều cần sống hết mình. “Tôi nghĩ, chính tinh thần ấy đã giúp tôi khỏe mạnh để đi được đến ngày hôm nay”, bà nói.