Ngày 2-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Ngày 2-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, ngoài các ca nhập cảnh, những người bệnh mới phần lớn đều có yếu tố dịch tễ liên quan ổ dịch tại các bệnh viện của TP Ðà Nẵng. Tuy nhiên số ca mắc Covid-19 đợt này tăng nhanh; kết quả giải trình tự gien vi-rút SARS- CoV-2 cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Ngoài ra đã có một số ca mắc ở cộng đồng, nhưng chưa phát hiện được nguồn lây, tỷ lệ F2 bị nhiễm bệnh cũng nhiều hơn. Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp, tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Ðà Nẵng… nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm số người chết. Ngoài ra, công tác điều tra, khoanh vùng dập dịch, tinh thần chống dịch ở các địa phương đã được nâng cao, tiến độ xét nghiệm những người có nguy cơ được đẩy nhanh…
Ðể sớm kiểm soát được dịch, cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Ðặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng; trong chung cư phải có nước sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người… Các chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh dồn lực để xử lý những điểm nóng, cũng cần hết sức chú ý đến công tác dự phòng bởi mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu siết lại kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch đối với tất cả các địa phương và lực lượng liên quan. Ngành y tế rà soát và có phương án phòng, chống dịch cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người yếu thế; phòng, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nhất là với những khoa, những nơi đang điều trị nhiều người bệnh nặng. Mặt khác, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch; đề nghị chính quyền các địa phương xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 2-8, ghi nhận thêm 34 người bệnh (từ người bệnh thứ 587 đến 620) mắc Covid-19. Trong đó, các địa phương như: TP Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Ðắk Lắk tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19; các địa phương mới ghi nhận có người mắc là Ðồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam (mỗi tỉnh một ca) và một số người bệnh mắc Covid-19 về nước được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 2-8, Việt Nam có tổng cộng 620 người mắc Covid-19, trong đó có 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc liên quan Ðà Nẵng từ ngày 25-7 đến nay ghi nhận là 173 ca.
* Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, ngày 2-8, có thêm ba người bệnh (người bệnh thứ 524, 475, 429) chết vì bệnh lý nền nặng và mắc Covid-19. Như vậy, tính đến 21 giờ ngày 2-8, Việt Nam có sáu người bệnh mắc Covid-19 chết.
* Sáng 2-8, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao ban trực tuyến với lãnh đạo 63 sở y tế tỉnh, thành phố. Ðể ứng phó với tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là trong công tác xét nghiệm đối với những người có yếu tố nguy cơ (từ ngày 1 đến 29-7 có khoảng 1,4 triệu người từ Ðà Nẵng đi, về các địa phương). Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương dù chưa có ca bệnh cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng các tình huống phòng, chống dịch, khi có ca bệnh thì triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác…
* Sáng 2-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Ðà Nẵng đã đến kiểm tra công tác xây dựng cơ sở điều trị Covid-19 (bệnh viện dã chiến) tại Cung thể thao Tiên Sơn. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với nhau, bảo đảm an toàn, chất lượng của công trình. Yêu cầu ngành y tế Ðà Nẵng phân công cán bộ có chuyên môn bám sát tiến độ công trình, phối hợp các đơn vị xây dựng góp ý các vấn đề liên quan, bảo đảm công trình khi hoàn thành phải đưa vào sử dụng được ngay, sẵn sàng thu dung người bệnh. Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra khu cách ly tập trung tại ký túc xá Bàu Tràm, quận Liên Chiểu và kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trước khi đón người dân đến khu cách ly tập trung ở quận Ngũ Hành Sơn.
* Bộ Y tế vừa có công điện gửi UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch; khẩn trương, tăng tốc hơn nữa việc thực hiện truy vết các trường hợp đi về từ TP Ðà Nẵng từ 1-7 đến 28-7 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế; mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng; kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng, chống dịch dựa vào cộng đồng…
* Ngay sau khi phát hiện ca bệnh dương tính với SARS- CoV-2 (bệnh nhân số 566) tại thôn Bùi, xã Hòa Tiến (huyện Hưng Hà), ngành y tế Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà và các địa phương liên quan đã tiến hành điều tra toàn diện ổ dịch. Kết quả, có 12 trường hợp F1, 69 trường hợp F2. Tỉnh Thái Bình yêu cầu người dân từ vùng dịch về phải thực hiện khai báo y tế, cách ly, theo dõi sức khỏe; tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê, xông hơi, mát-xa; thống nhất tạm dừng hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí; tạm đóng cửa các di tích lớn của tỉnh.
* Từ 0 giờ ngày 3-8, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạm dừng tất cả hoạt động ka-ra-ô-kê, vũ trường, mát-xa, quán ba, các lễ hội tập trung đông người; tiếp tục thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ Ðà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7. Yêu cầu các doanh nghiệp kích hoạt lại toàn bộ hệ thống, các hoạt động liên quan công tác phòng, chống dịch…
* Sáng 2-8, UBND thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã phong tỏa, cách ly y tế tại chỗ để phòng, chống dịch Covid-19 đối với khu dân cư hẻm 54/1, đường Trần Công Hiến, phường Lê Hồng Phong và khu dân cư hẻm 6/2, đường Quang Trung, phường Lê Hồng Phong vì liên quan người bệnh 590. Thời gian phong tỏa, cách ly là 28 ngày.
* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến 18 giờ 30 phút ngày 2-8, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Ðiền) đang điều trị 18 người bệnh Covid-19 được chuyển tới từ Ðà Nẵng, Quảng Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Phần lớn các ca bệnh đều nặng, phải chạy ECMO. Bệnh viện T.Ư Huế tiếp tục tăng cường trang thiết bị y tế và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận điều trị ca bệnh Covid-19 khu vực miền trung – Tây Nguyên, góp phần giảm tải cho các địa phương có dịch.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện khẩn yêu cầu các khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện không tổ chức tiệc cưới, liên hoan, tiệc mừng… bắt đầu từ 0 giờ ngày 3-8. Các nhà hàng, quán ăn, quán cà-phê, quán nước giải khát, khu tập luyện thể thao,… thực hiện giãn cách xã hội. Tất cả người đến Thừa Thiên Huế (gồm cả người Thừa Thiên Huế trở về) phải khai báo y tế qua địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/kbyt trước khi vào Thừa Thiên Huế để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố nơi đăng ký đến thẩm tra, phê duyệt. Người đến, trở về từ các địa phương: Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải được cách ly đủ 14 ngày theo phân loại của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
* Tối 2-8, Bộ Y tế phát thông báo khẩn đề nghị những người đã đến các địa chỉ sau đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ; gọi điện đến các đường dây nóng cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình: 1900.9095 (Bộ Y tế); 0905.108.844 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Ðà Nẵng; 0914.085.388 CDC Quảng Nam; 0907.795.480 CDC Thừa Thiên Huế; 0869.577.133 CDC TP Hồ Chí Minh, gồm: Quán Nhúng Ớt (10 Phạm Quang Ảnh, An Bắc Hải, Sơn Trà, TP Ðà Nẵng) chiều tối 18-7; Khách sạn Mercure Danang French Village (Bà Nà Hills, TP Ðà Nẵng) từ ngày 19 đến 20-7; Khách sạn A Little Luxury Hội An (9 Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam) từ ngày 20 đến 21-7; Homestay Huế villa (27 Lê Trung Ðình, phường Thuận Lộc, TP Huế, Thừa Thiên Huế) từ ngày 23 đến 24-7; Quán cà-phê Mắt Biếc (68 Bao Vinh, Hương Vang, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tối 23-7; các hành khách trên chuyến bay số hiệu VN115 Ðà Nẵng – Buôn Ma Thuột ngày 25-7; chuyến bay số hiệu VN119 Ðà Nẵng – TP Hồ Chí Minh ngày 25-7.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19 ngày 2-8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, Bộ đã nhận được ý kiến đề xuất của UBND thành phố Ðà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, Ðà Nẵng đề xuất phương án dừng thi và xét tốt nghiệp cho thí sinh, đồng thời có phương thức phù hợp để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Tỉnh Quảng Nam đưa ra ba phương án: Thứ nhất, đến ngày 6-8, nếu tình hình dịch được kiểm soát thì các thí sinh vẫn thi tốt nghiệp THPT bình thường. Thứ hai, đến ngày 6-8, tình hình dịch phức tạp thì đề xuất lùi kỳ thi một tháng, đến tháng 9 sẽ tổ chức thi. Thứ ba, dịch khó kiểm soát hơn nữa, Quảng Nam đề xuất phương án tương tự của Ðà Nẵng.
Các chuyên gia giáo dục và thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, phải bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 an toàn, công bằng. Dù có dịch hay không có dịch vẫn phải tổ chức kỳ thi, bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của thí sinh. Do vậy, căn cứ vào tình hình dịch, đến sát ngày thi, các địa phương đang có dịch có thể tạm hoãn và tổ chức thi vào đợt sau, còn các địa phương khác vẫn phải tổ chức kỳ thi bình thường. Về tuyển sinh đại học đối với các thí sinh ở vùng dịch, các trường cần có phương án xét tuyển cụ thể, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các em.