Liên quan đến sản phẩm thẻ diệt vi rút được nhiều người bán hàng quảng cáo, đại diện Bộ Y tế khẳng định không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. Gần đây, mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều hình ảnh quảng cáo các loại thẻ đeo kháng khuẩn có tác dụng chống virus Corona. Không ít gia đình đã tìm mua loại thẻ kháng khuẩn này để cho các thành viên sử dụng.
Thẻ diệt vi rút không có tác dụng chống lại sự lây lan của Covid-19
Qua tìm hiểu được biết, loại thẻ đeo chống virus, kháng khuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… được người bán quảng cáo là có chức năng bảo vệ cơ thể trước virus, dịch cúm, loại bỏ phấn hoa, bụi bẩn, vi trùng ở xung quanh cơ thể. Giá cho loại “thẻ đeo diệt virus” này dao động từ 180.000 đến 350.000 đồng/sản phẩm. Vì giá thành rẻ mà công dụng lại được “thổi phồng” nên nhiều gia đình đã không ngại đầu tư.
Một số chuyên gia lo ngại người dân tin dùng các loại thẻ kháng khuẩn chưa được kiểm chứng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc phòng, chống dịch bệnh của người dân. Bởi khi đó người dân có tâm lý yên tâm vì đã đeo thẻ kháng khuẩn, nhất là khi đến những nơi có nguy cơ cao nên lơ là, mất cảnh giác trong việc phòng bệnh.
Nhận định từ các chuyển gia
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, vi rút corona chủng mới gây ra Covid-19 lây lan chủ yếu ở giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi và không có cách gì ngăn được các giọt bắn này ngoài khẩu trang y tế.
Thêm vào đó, theo bác sỹ Cấp, một tỷ lệ rất lớn số ca lây nhiễm bệnh được nghiên cứu đó là việc dịch tiết của người bệnh bám lên bề mặt khi người bình thường vô tình chạm phải dịch tiết này từ bàn tay rồi vô tình đưa lên mũi, miệng. Do đó, biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay diệt khuẩn.
Về sản phẩm này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế khẳng định, hiện Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. Do đó, người dân không nên tin vào những quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm này trên mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.
Còn theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ kháng khuẩn. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ kháng khuẩn giúp phòng dịch bệnh.
“Hiện tại, cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng thẻ kháng khuẩn để phòng Covid-19. Ngay tại Nhật Bản cũng không có khuyến cáo sử dụng thẻ kháng khuẩn để ngăn ngừa dịch này“, ông Phu thông tin thêm. Thông qua các ý kiến và nhận định từ các chuyển gia trong ngành y tế, mọi người nên có cái nhìn đúng đắn về sản phẩm này tránh hiểu lầm gây tâm lý chủ quan trong việc phòng chống dịch.