Sáng 5/3, Bệnh viện Chợ Rẫy đã khai trương Khu sinh hoạt người bệnh với nhiều ý tưởng nhân văn. Đây là hoạt động do Đơn vị Tuyến Vú và Phòng Công tác xã hội của bệnh viện thực hiện sau khoảng thời gian dài ấp ủ.
Những hoạt động mang đầy ý nghĩa
Mục đích của hoạt động này như BS. CKII Bùi Phú Quang – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhấn mạnh: “Phương châm của ngành y tế là cố gắng đạt bước đầu tiên – điều trị bệnh, nhưng còn điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ điều trị bệnh đơn thuần, mà còn làm cho con người khỏe mạnh, vui vẻ, đầy đủ sức lao động”.
Chia sẽ của những “người trong cuộc”
Bà T.T.T.N. (54 tuổi, ngụ tại TP.HCM) phát hiện bị ung thư vú từ tháng 9 năm ngoái. Đến tháng 10, bà bắt đầu điều trị. Bà N. vẫn còn nhớ rõ sau lần xạ trị đầu tiên, tóc bà rụng cả mảng khiến bà cảm thấy vô cùng sốc và buồn. Bà đã phải giành khoản tiền 6 triệu đồng để mua một bộ tóc giả mới có thể đi ra ngoài và làm việc. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân đến từ các miền quê, điều kiện kinh tế khó khăn, việc có thể mua một bộ tóc giả như bà N. rất hiếm. Vì vậy, bà N. chủ động tham dự chương trình với hi vọng mang mái tóc giả của mình giúp những bệnh nhân khác cảm thấy tự tin hơn.
Như trường hợp của bà B.T.U.M. (ngụ An Giang), vừa tiến hành giải phẫu ung thư vú hơn 20 ngày. Mái tóc đang lún phún mọc vốn đã khiến bà M. ngại ngùng khi ra ngoài, đến nay, bà lại càng tự ti hơn vì đã cắt đi bầu ngực. Bà M. tâm sự, bà cảm thấy vô cùng may mắn vì có cơ hội tham dự hoạt động, bởi thông qua sự sẻ chia của các bác sĩ, các bệnh nhân khác, cả người đã chữa khỏi và đang điều trị, bà cảm thấy yên tâm hơn khi đối mặt với mọi người.
Là người gắn bó với các hoạt động vì bệnh nhân nhiều năm nay, Th.S Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Đây là điểm đến đầu tiên mà phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy hướng đến bệnh nhân ung thư. Bởi vì chúng tôi luôn trăn trở, các anh chị ở chuyên khoa hóa xạ, các anh chị ở khoa giảm nhẹ cũng đã làm tất bật công việc, nhưng điều kiện để quan tâm tới tinh thần người bệnh sau buổi hóa xạ chưa có. Chúng tôi cũng đã tham gia các lớp học chăm sóc giảm nhẹ, đọc thêm sách về quá trình chăm sóc giảm nhẹ, tìm hiểu về quá trình điều trị, và quan trọng nhất là trong thời gian qua chúng tôi cũng đã tìm hiểu về các hoạt động của các đơn vị đã từng điều trị thành công bệnh lý ung thư. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, phòng công tác xã hội sẽ là cánh tay nối dài từ các chuyên khoa, và sẽ ở bên, đồng hành cùng người bệnh”.