Rất nhiều y tá, bác sĩ, chuyên gia y tế đang bất chấp rủi ro để dấn thân lên tuyến đầu của cuộc chiến. Ngay cả khi không gọi họ là anh hùng, chúng ta cũng phải biết ơn họ mãi mãi
Ngày 29-3-2020 đánh dấu tròn 17 năm ngày mất của bác sĩ Carlo Urbani. Ông qua đời tại một bệnh viện ở Bangkok – Thái Lan vì Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), căn bệnh mà chính bác sĩ là người đầu tiên nhận diện và cảnh báo toàn thế giới.
Tờ Corriere della sera (Ý) đã có bài phỏng vấn với vợ bác sĩ Urbani, bà Giuliana Chiorrini, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Castelplanio (thành phố miền Trung nước Ý, cách thủ đô Rome khoảng 4 giờ lái xe về phía Đông Bắc).
.Corriere della sera: Trong 17 năm qua, chúng ta vẫn nhớ về di sản của bác sĩ Carlo Urbani và sự hy sinh anh hùng của ông. Giữa đại dịch Covid-19 hiện nay, bà nghĩ gì về bài học mà chồng bà để lại?
– Bà Giuliana Chiorrini: Những ngày này, tôi đang đọc lại một cuốn sách về Carlo và tôi ấn tượng về những liên hệ, phát hiện của anh ấy trong những ngày quyết định với vai trò đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Kể từ khi phát hiện bệnh nhân SARS đầu tiên tại Việt Nam – một doanh nhân bị viêm phổi nghiêm trọng – tại Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội vào ngày 28-2-2003, Carlo đã nhận thấy đây là một căn bệnh mới, có khả năng lây nhiễm rộng trong cộng đồng và anh ấy lập tức đưa ra lời cảnh báo, yêu cầu đóng cửa các cảng, sân bay và biên giới.
.Ông ấy đã trải qua những ngày ấy như thế nào?
– Hôm đó, Carlo trở về nhà và tỏ ra rất căng thẳng. Anh ấy nói mức độ rủi ro là cực kỳ nghiêm trọng. Sau khi Carlo kiên trì cảnh báo và thuyết phục, từ ngày 10 đến 12-3-2003, Việt Nam và các nước khác đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch SARS.
Còn tại Ý, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chúng ta chưa có những nhận định chính xác về mức độ nguy hiểm. Chính quyền đóng cửa các trường học nhưng sau đó lại mở lại, chặn các chuyến bay từ Trung Quốc nhưng không chặn các chuyến gián tiếp từ các nước thứ ba. Thực tế này tiếp diễn cho đến đầu tháng 3-2020 mặc dù những trường hợp viêm phổi bất thường ở Ý đã được ghi nhận từ cuối tháng 12-2019. Nỗi sợ hãi mà tôi chưa từng thấy ở Carlo đã xuất hiện trở lại!
.Bà nghĩ sao khi bây giờ chúng ta cũng đang ca ngợi các bác sĩ và y tá chiến đấu trong đại dịch là anh hùng?
– Ngay cả khi không gọi họ là anh hùng, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải biết ơn họ mãi mãi. Rất nhiều y tá, bác sĩ, chuyên gia y tế đang bất chấp rủi ro để dấn thân lên tuyến đầu của cuộc chiến.
.Nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Urbani kể rằng ông thường nói với mọi người là “đừng ích kỷ” (non essere egoisti) – một thông điệp mà trong những thời điểm khó khăn càng trở nên hữu ích cho tất cả mọi người. Bà thấy điều gì đằng sau những cánh cửa đóng im lìm, nơi mọi người đang “ẩn náu”?
– Bài học “suy nghĩ cho người khác” của Carlo đang chứng minh giá trị. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng hiện nay, mọi người đã không nhận ra nhiều điều; có những người vẫn ra khỏi nhà dù đi lặng lẽ, ngược lại có những người dựng cả rào chắn trong nhà. Nhưng bây giờ, rất nhiều người cho biết sẽ tham gia các hiệp hội tình nguyện, cam kết giúp đỡ hàng xóm và những người cao tuổi sau dịch bệnh. Có rất nhiều người viết thư cho tôi, nói với tôi về sự cần thiết và hữu ích trong việc đào tạo những bác sĩ chuyên nghiệp và hào phóng như Carlo.
Người không ngoảnh mặt quay đi
Bác sĩ Carlo Urbani (1956-2003) được công nhận là người đầu tiên phát hiện SARS là một căn bệnh mới gây chết người. Trong một bài viết đăng trên trang web của văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, các đồng nghiệp của bác sĩ Urbani vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh 28-2-2003. Văn phòng nhận được một cuộc gọi từ Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đề nghị hỗ trợ kiểm tra một bệnh nhân nghi bị nhiễm cúm gia cầm. Người nhân viên hành chính hỏi bác sĩ Urbani – khi đó là chuyên gia y tế công cộng của WHO – nên chuyển máy cho ai, ông lập tức trả lời: “Tất nhiên, đó là tôi”.
Sau khi khám bệnh, chẩn đoán của bác sĩ Urbani rất rõ: Một ca bất thường của một “loại bệnh truyền nhiễm chưa được biết đến”. Hết sức quyết đoán và nhanh chóng, một mặt ông báo động cho tổng hành dinh của WHO tại Geneva – Thụy Sĩ, mặt khác thuyết phục Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly khẩn cấp. Vì sự an toàn của cộng đồng, bác sĩ Urbani cùng nhóm bác sĩ Việt Nam đã ở lại Bệnh viện Việt Pháp nhiều ngày liền, vừa phối hợp kiểm soát lây nhiễm, tăng cường cách ly vừa tiếp sức cho đội ngũ nhân viên bệnh viện.
Ngày 11-3-2003, trong lúc đáp chuyến bay từ Hà Nội đến Bangkok tham gia một hội thảo, bác sĩ Urbani phát hiện chính mình đã có các triệu chứng của SARS. Máy bay hạ cánh, ông được đưa tới bệnh viện và qua đời chỉ 18 ngày sau đó ở tuổi 46. Sau khi ông mất 2 tuần, một loại virus chủng corona (sau được đặt tên là virus SARS) đã được nhận diện là nguyên nhân gây bệnh và dịch SARS được khống chế.
Nguy hiểm là thế nhưng tôn chỉ của bác sĩ Urbani, và cũng là kim chỉ nam cho hầu hết các thiên thần áo trắng, là “bác sĩ phải ở gần bệnh nhân”. Sau hơn 100 ngày hoành hành vào cuối năm 2002 đầu năm 2003, SARS cướp đi sinh mạng của 774 người và khiến hơn 8.000 nhiễm bệnh. Giới chuyên môn chung nhận định nếu không nhờ cảnh báo sớm của bác sĩ Urbani, thế giới sẽ không thể phản ứng kịp thời ở quy mô lớn và số người chết có thể lên tới hàng triệu người.
Cả thế giới tôn vinh bác sĩ Urbani là anh hùng nhân loại nhưng trong bài phỏng vấn với báo Corriere della sera, bà Giuliana Chiorrini nhấn mạnh chồng mình không phải là anh hùng, mà là một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ ngoảnh mặt quay đi khi có người cần giúp đỡ.