Theo kết quả khảo sát của Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản công bố ngày 17/10, tỉ lệ sống được 10 năm của các bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2006 là 57,2%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước được tiến hành đối với các bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2005.
Tỷ lệ sống của các bệnh nhân mắc ung thư
Cụ thể, tỉ lệ sống được 10 năm đối với các bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến ở mức cao nhất, với 97,8%, tiếp đến là ung thư vú 85,9% và ung thư tuyến giáp với 84,1%. Trong khi đó, bệnh nhân ung thư tụy có tỉ lệ sống được 10 năm ở mức thấp nhất là 5,3%, tiếp đến là ung thư gan 15,6% và ung thư túi mật hoặc ống mật là 18%.
Còn tỉ lệ sống được 5 năm của khoảng 143.000 bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư từ năm 2009 đến 2011 là 68,4%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước được tiến hành đối với những bệnh nhân bị chẩn đoán mắc bệnh từ năm 2008 đến 2010.
Sự tiến bộ trong nghiên cứu và điều trị
Theo người đứng đầu Viện Nghiên cứu ung thư Chiba, Hiroki Nagase, kết quả khảo sát trên cho thấy tỉ lệ sống của các bệnh nhân ung thư gia tăng là nhờ những nghiên cứu và tiến bộ mới nhất đạt được trong điều trị. Tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của các liệu pháp điều trị mới nhằm nâng cao khả năng ứng phó trong hệ miễn dịch của bệnh nhân, ví dụ như nhờ liệu pháp điều trị bằng Gen và thuốc điều trị Optivo.
Cuộc khảo sát này được thực hiện đối với khoảng 80.000 bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư và điều trị ở 20 bệnh viện chuyên điều trị ung thư trên toàn Nhật Bản. Đây là cuộc khảo sát thứ 5 được Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản thực hiện kể từ khi trung tâm này bắt đầu thu thập dữ liệu vào những thập nhiên 90 của thế kỷ trước.