Chồng bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu, con gái nhỏ 11 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, chị Thanh thì mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn 3 với những cơn đau liên tục hành hạ.
Trụ cột gia đình mắc bệnh ung thư
Gặp chị Chu Thị Thanh (sinh năm 1972, tập thể ĐH Thủy Lợi, Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) tại bệnh viện Đống Đa khi chị vừa gắng gượng ngồi dậy được sau nhiều ngày nằm li bì vì sốt xuất huyết. Dù bác sĩ đã dặn đi dặn lại là bệnh nhân phải có người nhà chăm sóc, không được phép đứng lên đi lại dễ bị đứt mạch máu não, thế nhưng vì không dám phiền đến người thân nhiều, chị đành gắng gượng tự lo cho bản thân.
Bằng giọng nói thều thào vì kiệt sức sau cơn ốm dài ngày, chị Thanh kể mình sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở Hoài Đức, Hà Nội. Học hết cấp 3 chị Thanh ra Hà Nội tìm việc làm với biết bao bao ước mơ, hoài bão. Năm 1999 chị nhận được công việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO). Chị Thanh là công nhân quyét gom rác ở tổ 6, phụ trách khu vực Thành Công thuộc chi nhánh URENCO Ba Đình.
Có công việc ổn định, chị kết hôn rồi cả hai vợ chồng bảo nhau gắng sức làm việc, vun vén cho gia đình nhỏ. Nhưng giấc mơ chị dệt cho mình chưa được bao ngày đã bỗng chốc tan vào mây khói khi chị thất bại trong cả 2 lần thu tinh ống nghiệm.
“Hai vợ chồng cưới nhau mười mấy năm không có con, đi chạy chữa khắp nơi không thành. Năm 2006 tôi mới bàn với chồng dồn hết vốn liếng cộng thêm tiền vay mượn người thân bạn bè được 60 triệu đồng để làm thụ tinh ống nghiệm. Thế nhưng làm 2 lần hỏng cả hai. Tốn kém cả 1 gia tài mà không có kết quả lòng tôi đau như cắt mà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong” – chị Thanh chia sẻ.
Khi mọi hy vọng với vợ chồng chị tưởng như đã vụt tắt thì cơ duyên xuất hiện, một sinh linh bé nhỏ đã đến bên cuộc đời chị và thắp sáng lên niềm hy vọng về một mái ấm ngập tràn hạnh phúc.
Thế nhưng dường như khó khăn, vất vả vẫn chưa chịu buông tha cho chị. Cách đây vài năm chồng chị Thanh bị tai nạn giao thông dập gan, vỡ đầu gối. Sau tai nạn ấy sức khỏe của anh vốn đã yếu vì bị đường ruột từ bé lại càng sa sút hơn. Cứ trái gió trở trời khắp người anh lại đau nhức, nên gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai chị.
Thương chồng đau ốm, con thơ dại nên dù công việc cực nhọc, vất vả, đi sớm về khuya chị vẫn gắng sức làm để lo miếng ăn cho gia đình qua ngày.
Tháng 3/2016, thấy cơ thể chị đau yếu, ho nhiều tháng không dứt, cả nhà khuyên chị đi kiểm tra, thì bác sĩ thông báo chị mắc phải căn bệnh ung thư vú quái ác. “Nghe bác sĩ thông báo, chân tay tôi rụng rời đứng không nổi. Không hiểu sao tôi lại mắc căn bệnh ai nghe thấy cũng ví như nhận cho mình một án “tử hình”. Đi khám một mình, phải tự lấy xe máy để ra về mà mắt nhòa đi, đầu óc trống rỗng, chỉ biết ngồi sụp xuống khóc như mưa”, chị Thanh nhớ lại cảm giác lúc đấy.
Gắng gượng vượt qua nỗi hoang mang, lo lắng vì nghĩ rằng không thể mãi trốn tránh sự thật đứng yên chờ chết, chị cố gieo cho mình một tia sáng rằng “có những người ung thư nhưng họ vẫn sống”, sao chị lại không thể. Nghĩ là làm, chị quyết tâm chiến đấu, quyết tâm giành lại sự sống từ tay của tử thần.
Khi điều trị ung thư theo phác đồ của bác sĩ ở viện K, bác sĩ thông báo loại thuốc để điều trị căn bệnh của chị có giá lên tới 700 triệu đồng, bảo hiểm chỉ chi trả có 50%. Thông tin này lại một lần nữa khiến chị điếng người bởi lúc ấy trong nhà chị không có một đồng nào, có bao nhiêu tiền đã đổ vào chạy chữa thuốc thang hết. May mắn là anh em trong nhà vì thương chị vất vả, khó khăn, mọi người đã bàn nhau bán sào ruộng ở quê, rồi mỗi người ủng hộ một ít để chị có tiền chữa bệnh.
Bằng sự quyết tâm và khao khát sống mãnh liệt, chị đã nhận được phần thưởng là an toàn trở về bên con gái, đánh đổi là sự mất đi một bên ngực và buồng trứng. Nghĩ cảnh gia đình quá éo le, sức khỏe yếu, chị Thanh đã từng nuốt nước mắt khuyên chồng đi thêm bước nữa để mẹ con chị tự rau cháo nuôi nhau.
Cánh cánh nỗi lo cho con gái nhỏ
Nằm viện 1 năm với tổng chi phí lên tới hơn 400 triệu đồng khiến gia đình chị Thanh lâm vào cảnh khánh kiệt. Niềm hy vọng duy nhất của chị lúc này chính là cô con cái nhỏ ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, tháo vát. Suốt 5 năm đi học vừa qua cháu đều được học sinh giỏi, còn làm lớp trước được thầy cô, bạn bè yêu quý.
Thế nhưng sự bất hạnh vẫn tiếp tục ập đến với gia đình chị. Thấy con còi cọc, lại hay đau chân, chị Thanh lại vay mượn khắp nơi đèo con đi khám. “Đi khám ở tuyến dưới họ kết luận con gái bị thấp khớp nhưng tôi không tin. Vay mượn tiền đèo con đi từ Bạch Mai sang Huyết Học rồi lại lên Nhi. Cuối cùng bác sĩ kết luận cháu bị hở van tim, nhiễm liên cầu…” – chị Thanh nghẹn ngào kể lại.
Người phụ nữ ấy cũng tâm sự nhiều khi biết mình bị bệnh nặng phải thoải mái tư tưởng mà không thể làm nổi. Con bảo mẹ cho con đi bơi mà rơi nước mắt thương con vì không có tiền. 40 nghìn đồng/1 vé đi bơi, đó là thứ quá xa xỉ bởi 1 tấm vé ấy bằng tiền ăn cả ngày của gia đình chị.
Chị kể sau khi chữa ung thư cơ thể chị rất yếu, xương khớp đau nhức khắp người, có những cơn đau buốt lên tận óc khiến chị không còn sức lực, nhiều khi “đi chợ mua rau cũng không xách nổi”.
Nhà chị Thanh ở tầng 3 trong một khu tập thể cũ. Có những hôm phải xách yến gạo lên tầng mà chị không đủ sức. “Con gái bảo để con xách giúp mà chảy nước mắt vì thương. Tôi sợ con bé mới 11 tuổi đầu vác yến gạo nhỡ nó trật lưng thì làm sao? Nên đành gàn con, cố sức 2 mẹ con cùng đưa lên. Thế nhưng lên đến nhà mệt quá lại cáu, lại kêu đau với con… nghĩ vừa giận mình lại vừa thương con… mà nước mắt cứ tuôn rơi”.
Không dám chữa bệnh vì… sợ
Gần đây, khi đi kiểm tra sức khỏe bác sĩ lại cho chị biết một tin rất tệ đó là chị có một khối u trong cột sống, yêu cầu chị nhập viện mổ ngay để lấy u và chữa thoát vị đĩa đệm. Nhưng chị cứ lẫn lữa không dám.
“Không dám mổ một phần vì không có tiền nhưng phần lớn là vì tôi sợ… Bây giờ mổ xong mà liệt ra đấy thì ai nuôi con tôi” – chị Thanh khóc nghẹn kể lại câu chuyện buồn của mình đan xen trong những cơn ho kéo dài không dứt.
Chị cho biết cuộc đời chị khổ trăm bề, may mắn là được ban lãnh đạo và đồng nghiệp ở Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) giúp đỡ. Tổ trưởng tổ 6 là chị Nguyễn Thanh Hường nhận con gái chị Thanh làm mẹ đỡ đầu.
Sau 18 năm công tác, chị Thanh tâm sự: “Giờ chỉ có nguyện vọng duy nhất là cố gắng vài năm nữa để được về hưu, mong có được bảo hiểm để khám chữa bệnh”.
Chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, nước mắt chị Thanh liên tục rơi: “Nhiều khi đêm nằm mà nước mắt cứ chảy ra, không hiểu ông trời sắp xếp số phận tôi lỗi ở đâu mà sao lại ra nông nỗi này. Chồng ốm yếu, vợ ung thư giờ con lại mắc bệnh tim hiểm nghèo. lắm lúc nghĩ quẩn chỉ muốn chết cho đỡ khổ, đỡ đau đớn. Nhưng rồi nghĩ lại sợ chết lắm. Mình đi rồi thì con mình biết trông vào ai? Nên lại tự nhủ tiếp tục chiến đấu với số phận”.