Virus COVID-19 đã tác động đến kim loại quý, đẩy giá vàng thế giới cán mốc 1643 USD/ounce vì vậy giá vàng trong nước cũng tăng mạnh và vượt 46 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, các dữ liệu về tình hình kinh tế không suôn sẻ đã đẩy nhu cầu mua vàng lên cao trong phiên giao dịch trên thị trường New York (Mỹ), khiến giá vàng lên mức cao nhất kể từ thời điểm tháng 2/2013. Hiện giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.643 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Khi quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank, đồng kim loại quý này xấp xỉ 46,15 triệu đồng/lượng, cao hơn 100.000 đồng so với thương hiệu SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn.
Các chuyên gia cho biết, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao. Rất nhiều nhà đầu tư xem vàng như là một nơi trú ẩn, một tài sản an toàn. Bên cạnh đó cũng có một số nhà đầu cơ lợi dụng tình hình biến động để tăng giá vàng lên kiếm lời.
Đến chiều 22/2, Hàn Quốc ghi nhận thêm 87 ca COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 433 ca. Như vậy toàn cầu đã có hơn 77.900 ca nhiễm, gần 21.000 người đến nay đã bình phục. Hiện đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiễm dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục…
Vì giá vàng thế giới tăng nên giá vàng trong nước cũng tăng mạnh, tính đến 17 giờ ngày 22/2, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn bật tăng lên 46,05 triệu đồng ở chiều bán ra và 45,60 triệu đồng ở chiều mua vào, cao hơn 650.000 đồng so với sáng qua.
Tương tự, vàng SJC tại Công ty Doji Hà Nội cũng tăng 620.000 đồng/lượng, hiện chiều mua vào là 45,65 triệu đồng/lượng và bán ra là 45,95 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại Công ty Phú Quý cũng tăng 620.000 đồng/lượng, giao dịch quanh mức 45,65-45,95 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết từ 45,64-46,14 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), cũng tăng 630.000 đồng so với chốt phiên trước.
Giới kinh doanh vàng cho biết, mặc dù giá vàng tăng phi mã nhưng thị trường hầu như vắng bóng nhà đầu tư. Những rủi ro trên thị trường đã khiến người “chơi vàng” trở nên thận trọng.
Chị Nguyễn Anh Thư, một người dân ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong mấy năm qua chị tiết kiệm được 500 triệu đồng, số tiền này chị cũng không biết đầu tư vào việc gì nên đã gửi tiết kiệm một nửa, số tiền còn lại chị đã mua vàng.
Tuy nhiên, trong mấy ngày qua giá vàng lên chị đã bán để chốt lời với giá 44,50 triệu đồng/lượng. Chị Thư tính toán, mua vàng vào thời điểm 39 triệu đồng/lượng hồi tháng 7/2019, giờ giá vàng tăng mạnh là thời điểm hợp lý để bán.
Trước đây, chị Thư từng là người lướt sóng vàng nhưng mấy năm nay chị không dám chơi vàng bởi luôn có rủi ro rình rập.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân cần hết sức thận trọng nếu đầu tư vào vàng lúc này. Vàng đã lên cao thì cũng có khả năng rớt mạnh nên càng không nên đầu tư lướt sóng. Về dài hạn, vàng có thể sẽ tăng nhưng rủi ro khá lớn, do đó không nên dồn hết tiền vào kim loại quý.
Chính vì vậy theo ông Hiếu, nhà đầu tư có 3 điều nên quan tâm. Thứ nhất, phải quan sát thị trường vàng trên thế giới và trong nước thường xuyên để biết được sự biến động của nó. Thứ 2, nên phân bổ số tiền đầu tư của mình, không bỏ tất cả tiền vào vàng, nên chia ra vào chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Thứ 3, không nên có động thái đầu tư lướt sóng mà nên đầu tư ít nhất khoảng 6 tháng hãy bán ra.
Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam đang trải qua một biến động rất mạnh do dịch cúm COVID-19. Thị trường vàng rất nhạy cảm đối với các cuộc khủng hoảng và đặc biệt tại thời điểm này khủng hoảng đánh mạnh nhất vào tất cả các lĩnh vực trong đó có vàng đang bị tác động mạnh bởi dịch cúm khi mà nền kinh tế Trung Quốc (nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới) đang ở trong một cuộc khủng hoảng lớn.
“Giá vàng đang biến động tại thời điểm này đã trên 1.643 USD, theo tôi dự báo nếu trong tháng Hai này dịch cúm không được kiểm soát thì có thể giá vàng sẽ chạm mốc 1.650 USD, từ đó có thể đạt đến mức 1.700 USD. Tôi hy vọng giá vàng thế giới sẽ không lên mức cao như thế nếu trong tháng Hai và tháng Ba dịch bệnh được kiểm soát,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng dự báo giá vàng trong nước có thể lên đến mức 50 triệu đồng/lượng trong thời gian tới nếu như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và không được kiểm soát./.