Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không thế giới với việc nhiều quốc gia cấm nhập cảnh để tránh virus SARS-CoV-2 lan rộng hơn nữa.
Ảnh hưởng của dịch tới ngành hàng không là quá lớn
Không hề cường điệu khi nói rằng, ngành hàng không thế giới thực sự đang khốn đốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự kết hợp giữa hủy chuyến bay và hạn chế nhập cảnh đã khiến công nghiệp hàng không lỗ khoảng 880 tỷ USD.
Khi số lượng các ca nhiễm mới ngày một tăng lên theo cấp số nhân ở khắp nơi trên toàn cầu, thì số lượng các chuyến bay cũng giảm dần theo chiều hướng ngược lại bởi nỗ lực làm việc không mệt mỏi của các chính phủ và hệ thống y tế để làm chậm sự lây lan của virus corona (SARS-CoV-2).
Doanh thu giảm do thiếu khách hàng, tần suất các chuyến bay bị cắt giảm, cổ phiếu cũng đi xuống mạnh khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào ngành hàng không. Covid-19 gây ra một hỗn hợp độc hại với “sức khỏe” ngành hàng không. Ước tính, hàng không thế giới bị lỗ khoảng 880 tỷ USD và con số này sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu tình hình đại dịch kéo dài trong nhiều tháng tới.
Nhận định từ chuyên gia
Chuyên gia phân tích thị trường hàng không Brendan Sobie tại Singapore cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành hàng không sẽ nghiêm trọng hơn cả dịch SARS hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ai chắc chắn dịch sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động tới mức nào. Công ty khảo sát thị trường CAPA dự đoán tới cuối năm 2020, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản.
Đương nhiên, tác động kinh tế đối với ngành hàng không cũng là rất lớn. Gần 40% các chuyến bay trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ đối với châu Âu. Nhiều hãng hàng không đang đối mặt với nguy cơ phá sản trong vài tháng tới.
Một số phương án được các hãng hàng không sử dụng
Việc các hãng hàng không có thể làm hiện nay là tìm cách giảm chi phí và củng cố khả năng chống đỡ khủng hoảng nhiều nhất có thể như cắt giảm nhân viên, cắt giảm các lộ trình bay, tái đàm phán các hợp đồng với nhà cung cấp và vận hành những loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Một số hãng bắt đầu nghĩ đến phương án xin cứu trợ của chính phủ. Các hãng hàng không Anh đã đề nghị gói cứu trợ chính phủ hơn 9 tỷ USD. Hiệp hội thương mại hàng không Mỹ cũng kêu gọi gói cứu trợ chính phủ trị giá 58 tỷ USD. Các chính phủ cũng khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi dịch bệnh tác động tới hầu hết các ngành kinh tế thì các chính phủ cũng phải đau đầu lựa chọn đâu là ngành cần ưu tiên. Giới chuyên gia nhận định ngành hàng không có khả năng cao được giải cứu trước tiên vì đây là ngành đầu tiên “ngấm đòn” Covid-19 và đây cũng là ngành đóng vai trò quan trọng khi vận mệnh của ngành này gắn liền với nhiều ngành kinh tế quan trọng khác như du lịch, thương mại, và sản xuất máy bay.
Covid-19 khiến mọi thứ rối tung rối bời, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì ngành hàng không. Giờ đây, niềm hy vọng lớn nhất của ngành hàng không thế giới chính là đại dịch Covid-19 nguy hiểm sớm được dập tắt để những lệnh hạn chế nghiêm ngặt kia nhanh chóng được dỡ bỏ, mọi thứ có thể trở lại bình thường.