Đà Nẵng đã có những biện pháp cứng, có những chủ trương mềm dẻo nhưng tất cả đều thể hiện sự quyết liệt ngăn chặn dịch, bệnh.
Sau 10 ngày triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu. Có những biện pháp cứng nhắc, có những chủ trương mềm dẻo nhưng tất cả đều thể hiện sự quyết liệt ngăn chặn dịch, bệnh. Nhờ đó, đa số người dân ủng hộ, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch.
Tập thể dục và tắm biển buổi sáng là thói quen tốt của người dân Đà Nẵng bao nhiêu năm nay, giờ cũng thay đổi để thực hiện lệnh cấm tụ tập đông người. Anh Phan Văn Thịnh, nhân viên Đội Quản lý Trật tự Du lịch, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, thành phố cấm tắm biển, rất đông người dân xuống bờ biển chạy bộ nhưng nay thì vắng hẳn.
“Từ ngày có Chỉ thị của thành phố ban xuống, người dân chấp hành nghiêm túc hơn. Mấy ngày đầu thì họ chưa biết nên có đi ra bãi biển, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Đội Trật tự quản lý du lịch Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nhắc nhở thì người dân chấp hành tốt hơn”, anh Thịnh nói.
Có thể nói, đa số người dân Đà Nẵng đều ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền thành phố. Khi Đà Nẵng bắt buộc cách ly có thu phí người đến từ các địa phương có ca bệnh lây lan thứ phát tại tại cộng đồng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì có những người không đồng tình nhưng hầu hết người dân địa phương rất ủng hộ. Tuy vậy, Đà Nẵng cũng không thực hiện thu tiền cách ly đối với trường hợp nào.
Đến nay, sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã cách ly tại nhà 184 người đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, kiểm soát 44 ngàn hành khách qua các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, qua đó phát hiện 74 trường hợp thuộc diện phải cách ly y tế. UBND các quận, huyện đã tiến hành xử lý 453 trường hợp vi phạm như trốn cách ly y tế, tập trung đông người, không đeo khẩu trang khi ra đường với số tiền xử phạt hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, điều đáng mừng là Đà Nẵng bước sang ngày thứ 18 không có ca nhiễm mới, 6 bệnh nhân dương tính đã được điều trị khỏi, số ca nghi mắc Covid-19 giảm chỉ còn 28 trường hợp: “Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 yêu cầu tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh, xét nghiệm những ca bệnh nghi ngờ. Sở Y tế đã kiểm tra 2 cơ sở y tế khám chữa bệnh là BV Phổi và BV Đà Nẵng”.
Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát tốt. Thành phố cũng đã nhận được sự đóng góp chia sẻ của nhiều tổ chức cá nhân với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng, 10 tấn gạo.
Tuy vậy, sau những kết quả ban đầu, nhiều ngày không có người mắc Covid-19, cả 6 ca bệnh đã được điều trị khỏi nên xuất hiện tâm lý chủ quan trong một bộ phận cán bộ và người dân. Theo nhận định của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, vẫn còn một số người dân thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang nơi đông người. Công tác an toàn phòng, chống dịch tại các chợ vẫn chưa đảm bảo. Vẫn còn hành vi vi phạm việc cách ly xã hội, tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.
Chị Nguyễn Thị Châu, đi chợ Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, người dân rất khó giữ khoảng cách 2 mét khi đi chợ: “Hội Phụ nữ đã tuyên truyền tránh đông người. Khi vô mua thấy đông thì tôi đi chỗ khác. Tuy vậy, theo tôi thấy rất khó giữ khoảng cách 2 mét vì chợ thì chật mà người thì đông”.
Sau 10 ngày thực hiện cách ly xã hội, tại Đà Nẵng xuất hiện một số trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội. Công an thành phố đã mời làm việc 31 trường hợp đăng tin sai sự thật, ra quyết định xử phạt 13 trường hợp với số tiền 140 triệu đồng. Việc cấm bán hàng thực phẩm mang về, cấm bán hàng trực tuyến gây khó khăn trong sinh hoạt cho nhiều người dân. Thành phố Đà Nẵng vẫn còn lúng túng trong việc quy định mặt hàng nào là thực phẩm thiết yếu, cái nào là không thiết yếu nên phải cấm triệt để nhằm không bỏ sót.
Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý Các chợ Đà Nẵng băn khoăn: “Những mặt hàng được bán là lương thực, thực phẩm, rau củ, thị cá với lại đồ khô. Chứ còn hàng nào thiết yếu hay chưa thiết yếu thì chưa phân định rõ được”.
Trong những ngày tới, việc phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa, không để dịch bệnh bùng phát. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng. Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đề nghị Sở Y tế khẩn trương rà soát, xây dựng phương án thực hiện kiểm soát trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; lưu ý sự chủ động, nguyện vọng muốn xét nghiệm sớm của người dân.
“Với tinh thần là quyết tâm cao nhất, không chủ quan, không bị động; tiếp tục triển khai sự chỉ đạo của Trung ương, không để nhân dân chủ quan và hệ thống chính trị của chúng ta lơ là thiếu cảnh giác. Đồng thời, tích cực tuyên truyền hơn nữa các chủ trương của thành phố trong phòng chống dịch vì mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe của người dân”, ông Chinh nói./.