Chiến thắng của Việt Nam đang làm chấn động thế giới khi dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều nước có cơ sở hạ tầng y tế phát triển hơn.
Vào ngày 18/3/2020, phi công 43 tuổi người Anh Stephen Cameron đang làm việc tại Việt Nam có các triệu chứng nhiễm Sar nCov2 và được nhập viện tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi bệnh chuyển nặng, bệnh nhân Cameron trở thành tâm điểm tại Việt Nam, đại diện cho nỗ lực chống dịch Covid-19 của cả nước.
Thông tin về việc phổi của bệnh nhân Cameron có khả năng bị hủy hoại bởi virus Sars nCov2 và cần thay, hơn 50 tình nguyền viên đã đồng ý hiến phổi và rất nhiều chuyên gia hàng đầu trên cả nước đã tập hợp để cứu chữa cho bệnh nhân này. Theo CNBC, chính phủ Việt Nam đã dồn mọi nỗ lực để cứu sống bệnh nhân Cameron khỏi tử thần.
Hãng tin CNBC cho biết chính phủ Việt Nam đã tiêu tốn hơn 200.000 USD để cứu chữa cho phi công người Anh và thực tế bệnh nhân này đã hồi phục một cách thần kỳ.
Trường hợp của phi công Cameron chỉ là một trong số vô vàn những bệnh nhân hồi phục sau dịch Covid-19 nhờ sự tận tình cứu chữa của chính phủ Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong số những nước hiếm hoi không có bất kỳ trường hợp tử vong nào trong mùa dịch và chỉ có khoảng vài trăm người nhiễm bệnh trong 6 tháng đâu kể từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, nước láng giềng với Việt Nam.
Theo CNBC, đây là một con số vô cùng ấn tượng trên mọi phương diện.
Đi trước cả WHO
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã coi trọng việc chống dịch Covid-19 không khác gì một trận chiến khi xây dựng kịch bản hàng nghìn người sẽ bị nhiễm bệnh và lên phương án đối phó cho tình trạng xấu nhất.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam có những phản ứng khác nhau với dịch Covid-19 tùy từng giai đoạn. Kể từ ngày 10/1/2020, trước cả khi bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23/1, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quét nhiệt độ và kiểm tra tất cả các hành khách đến từ Vũ Hán-Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19.
Những trường hợp bị nghi nhiễm bệnh được cách ly trong khi chính phủ yêu cầu 97 triệu người dân cả nước nên đeo khẩu trang ra đường, qua đó đi trước cả những khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong việc đối phó dịch Covid-19.
Chị Ngọc Phạm sống tại thành phố Hồ Chí Minh cho nói với hãng tin CNBC rằng người dân Việt Nam khá coi trọng vấn đề chống dịch Covid-19 từ trước khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện. Chính phủ đã liên hệ tới người dân vô cùng sớm và cảnh báo về việc virus Sars nCov2 có thể lây lan sang từ Trung Quốc.
Theo chị Ngọc, người dân Việt Nam vẫn còn nhớ những gì dịch Sars đã gây ra cách đây vài năm trước. Mọi người đều hiểu rằng họ sẽ phải chịu hậu quả như thế nào nếu không tuân thủ các quy định phòng tránh và bị nhiễm dịch.
Vào năm 2003, dịch Sars bùng phát tại miền Nam Trung Quốc lây lan sang Việt Nam đã tạo nên sự khủng hoảng cho người dân khi không có thuốc chữa vào thời điểm đó. Việc các bác sĩ và nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh qua đời vì dịch khiến Việt Nam coi trọng vấn đề phòng chống dịch bệnh hơn bao giờ hết. Cũng vào thời điểm này, việc Việt Nam thành công chống lại được dịch Sars cũng cho thấy tiềm năng của quốc gia Đông Nam Á này trong việc đối phó dịch bệnh.
Năm 2005, dịch cúm gia cầm tiếp tục bùng phát ở Việt Nam và lại một lần nữa chính phủ thành công khống chế dịch bệnh.
Nhờ trải qua những cuộc chiến chống dịch thành công như vậy, Việt Nam đã sẵn sàng từ trước khi bệnh nhân đầu tiên nhiễm Sars nCov2 xuất hiện vào ngày 23/1/2020.
Ngày 1/2/2020, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ngừng mọi chuyến bay đến từ Trung Quốc, đồng thời tạm đóng cửa khẩu biên giới với cường quốc này dù Việt Nam có giao thương rất lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bước tiếp theo, chính phủ Việt Nam tập trung vào tăng cường xét nghiệm, tuyên truyền cộng đồng cũng như cách ly chặt chẽ các trường hợp nghi tiếp xúc với mầm bệnh. Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, Việt Nam đã nâng số điểm xét nghiệm trên cả nước từ 2 lên 63 cơ sở, qua đó thực hiện hơn 260.000 xét nghiệm.
Quan trọng hơn, những người dương tính với Sars nCov2 cũng như người tiếp xúc với họ sẽ bị cách ly trong các trại quân đội, bệnh viện dã chiến hoặc các khu ký túc xá trường đại học.
Chị Nguyễn Linh, chuyên gia phân tích về cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam nói với hãng tin CNBC rằng chính việc tập trung cách ly người bệnh là một trong những yếu tố đem lại thành công tại đây bởi việc gom mọi người vào một khu vực sẽ dễ kiểm soát hơn.
Thậm chí, truyền thông và mọi người dân Việt Nam cũng đồng lòng cùng chính phủ chống dịch. Bài hát “Ghen Cô Vy” được sáng tác tuyên truyền mọi người rửa tay, đeo mặt nạ, hạn chế ra nơi đông người… được phủ sóng khắp ngõ ngách và trở thành hiện tượng trên toàn thế giới.
Anh Kevin Moulie sống tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá việc tiếp cận được với người dân và khiến họ cẩn trọng trong phòng chống dịch bệnh là một thành công lớn của chính phủ Việt Nam.
Chấn động thế giới
Mặc dù có những biện pháp phòng tránh từ sớm nhưng Việt Nam vẫn chứng kiến tốc độ tăng chóng mặt về số người nhiễm bệnh trong thời kỳ đầu. Sau khi có 16 người nhiễm trong tháng đầu tiên kể từ thời điểm bùng phát, Việt Nam đón nhận làn sóng lây lan thứ 2 kể từ tháng 3/2020 do những công dân từ các nước Phương Tây trở về.
Từ 6/3-1/5/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca nhiễm bệnh. Ngay lập tức, chính phủ tuyên bố Việt Nam đang trong cơn đại dịch (Epidemic) và ra lệnh giãn cách xã hội trên cả nước nhằm đối phó dịch Covid-19. Tính đến ngày 1/5/2020, khoảng 200.000 người Việt Nam đã được đưa vào các khu cách ly hoặc được lực lượng dân phòng theo dõi cách ly tại gia.
Chuyên gia phân tích Nguyễn Linh cho biết dù hệ thống cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam còn kém so với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhưng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chính phủ đã làm tốt việc cách ly nguồn bệnh và tạo nên chiến thắng gây bất ngờ cho nhiều nước khác.
Vào ngày 20/1/2020, ngay trước khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện, Bộ y tế Việt Nam đã chỉ định 22 bệnh viện chuyên chịu trách nhiệm chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Sars nCov2. Đây là bước đi chuẩn bị nhằm tránh tình trạng quá tải cho các trung tâm y tế khác, qua đó tạo điều kiện chữa trị cho những người nhiễm bệnh khác ngoài Sars nCov2, đồng thời duy trì được khả năng chống dịch tại các bệnh viện khi số người nhiễm tăng cao.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng cũng như coi trọng vấn đề của chính phủ mà Việt Nam đã thành công khống chế dịch Covid-19. Trong 328 ca nhiễm bệnh đầu tiên, 90% đã hồi phục.
Thành công của Việt Nam thậm chí đã khiến nhiều chuyên gia quốc tế nghi ngờ về tính chính xác khi hệ thống cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam kém hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên với sự hồi phục nhanh chóng của xã hội cũng như nền kinh tế, những nghi ngờ về thành công của Việt Nam đã tan biến. Thay vào đó là ghi nhận của cộng đồng quốc tế với chiến thắng dịch Covid-19 từ Việt Nam.
Theo CNBC, Việt Nam đang hồi phục lại nhanh hơn các quốc gia láng giềng. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước đầu tiên nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới. Vào cuối tháng 6/2020, Việt Nam thậm chí chấp nhận các chuyến bay từ Nhật Bản kể từ khi đóng cửa tuyến hàng không quốc tế từ tháng 3/2020 do dịch bệnh.
Trong khoảng tháng 4-20/6, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bất ngờ 0,36%, đánh vỡ dự đoán suy giảm của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế. Con số này cũng là điểm sáng so với hàng loạt chỉ số suy giảm của nhiều nền kinh tế thế giới trong mùa dịch Covid-19. Thậm chí chính phủ Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 5% từ nay đến cuối năm.
Mặc dù cuộc sống tại Việt Nam chưa hoàn toàn quay trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng cũng nhờ đại dịch mà mọi người trân trọng hơn tình cảm bạn bè, gia đình và người thân.
Rõ ràng, chiến thắng dịch Covid-19 không chỉ tạo nên hình ảnh cho Việt Nam trên thế giới mà còn giúp mọi người có thời gian suy nghĩ và cải thiện nhiều thứ hơn.