TS Chung Nam Sơn, cố vấn cấp cao về y tế của chính phủ Trung Quốc, nói rằng, khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Vũ Hán, ‘chính quyền địa phương không nói ra sự thật’ và hiện nay Trung Quốc đối mặt nguy cơ làn sóng lây lan COVID-19 lần thứ hai, CNN đưa tin ngày 16/5.
Thị trưởng thừa nhận không công bố thông tin kịp thời
Chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn là “người hùng SARS” ở Trung Quốc vì đã góp công lớn trong đợt chống dịch SARS năm 2003. Lần này, ông dẫn dắt công tác xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn đầu trọng yếu.
Ngày 20/1, TS Chung khẳng định trên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng, coronavirus mới có thể truyền từ người sang người, sau khi giới chức y tế Vũ Hán trong nhiều tuần liền nói rằng, không có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm từ người sang người và dịch “có thể ngăn chặn và khống chế được”.
Dẫn đầu nhóm chuyên gia được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tới điều tra vụ dịch giai đoạn đầu, ông Chung tới Vũ Hán ngày 18/1. Ông nói rằng, khi đến nơi, ông nhận được nhiều cuộc gọi của các bác sĩ và cựu sinh viên cảnh báo rằng, tình hình thực tế tồi tệ hơn nhiều báo cáo chính thức.
“Chính quyền địa phương họ không muốn nói sự thật vào thời điểm đó. Ngay từ đầu họ đã giữ yên lặng, sau đó tôi nói rằng, có lẽ chúng ta có nhiều người nhiễm bệnh hơn so với báo cáo”, TS Chung trả lời phỏng vấn CNN ngày 16/5.
TS Chung nói ông nghi ngờ khi thấy con số mắc COVID-19 ở Vũ Hán được báo cáo chính thức vẫn ở 41 trong hơn 10 ngày dù số ca lây nhiễm tăng mạnh ở nước ngoài.
“Tôi không tin nên tiếp tục hỏi và sau đó họ phải đưa tôi con số thực. Tôi cho rằng, họ rất miễn cưỡng trả lời câu hỏi của tôi”, ông Chung kể.
Hai ngày sau đó (hôm 20/1), ông được nói rằng, tổng số ca mắc COVID-19 ở Vũ Hán là 198 với 3 người vong và 13 nhân viên y tế nhiễm coronavirus mới.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với các quan chức chính phủ Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Chung đề xuất phong tỏa Vũ Hán để hạn chế đà lây lan của virus – một biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Chính phủ phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/1, hủy tất cả các chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt ra và vào thành phố, chặn lối vào các đường cao tốc lớn. 76 ngày sau đó, lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ.
Trong cuộc phỏng vấn với CCTV ngày 27/1, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận rằng, chính quyền thành phố đã không kịp thời tiết lộ thông tin về coronavirus mới cho công chúng biết.
Hồi tháng 2, Trung Quốc sa thải một số quan chức trong bối cảnh cách thức xử lý dịch bệnh của chính quyền địa phương bị chỉ trích dữ dội. Trong số họ có hai quan chức phụ trách Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, bí thư tỉnh ủy Hà Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán, Xinhua đưa tin.
“Phần lớn người Trung Quốc hiện nay vẫn dễ mắc COVID-19”
Trung Quốc vẫn đối mặt “thách thức lớn” về làn sóng COVID-19 thứ hai có thể tràn qua, ông Chung nhận định ngày 16/5.
Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng hơn 82.000 người mắc COVID-19 với ít nhất 4.633 ca tử vong, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia của nước này.
Số ca mắc mới tăng mạnh hồi cuối tháng 1. Đầu tháng 2, Trung Quốc có ngày ghi nhận tới 3.887 ca mắc mới.
Tuy nhiên, một tháng sau, số ca mắc mới hằng ngày giảm xuống còn 2 chữ số, trong khi ở Mỹ, số ca mắc mới hằng ngày tăng vọt từ 47 ngày 6/3 lên 22.562 ngày 31/3.
Đã cơ bản khống chế được dịch, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nới lỏng các lệnh cấm đi lại. Một số trường học, nhà máy đã mở cửa trở lại.
Nhưng ông Chung nói rằng, giới chức Trung Quốc không nên tự mãn, nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn thấp thoáng phía xa. Những tuần gần đây, các ca nhiễm chùm xuất hiện khắp Trung Quốc, bao gồm ở Vũ Hán, tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm.
“Đa số người Trung Quốc hiện nay vẫn dễ mắc COVID-19 vì thiếu miễn dịch. Chúng tôi đang đối mặt một thách thức lớn. Tôi nghĩ rằng, hiện nay, tình hình (ở Trung Quốc) không khá khẩm hơn ở nước ngoài”, ông Chung nói.
Khi số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ vượt 87.000, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chất vấn độ chính xác của con số tử vong mà Trung Quốc đưa ra.
Nhưng ông Chung nói rằng, chính phủ Trung Quốc đã rút ra bài học từ dịch SARS 17 năm trước, khi họ giấu dịch “trong 2 hoặc 3 tháng”.
“Tôi nghĩ rằng, kể từ ngày 23/1, tất cả dữ liệu là chính xác”, ông nói thêm.
Theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 8 giờ sáng 17/5, thế giới có tổng cộng gần 4,63 triệu người mắc COVID-19, với 311.425 ca tử vong.
Mỹ có số bệnh nhân COVID-19 đứng đầu thế giới với gần 1,47 triệu người (88.730 ca tử vong), theo sau là Nga với hơn 272.000 người (2.537 ca tử vong), Anh với gần 241.500 người (34.546 ca tử vong), Brazil với hơn 233.100 người (15.633 ca tử vong) và Tây Ban Nha với xấp xỉ 230.700 người (27.563 người chết).