Các nhà nghiên cứu chỉ ra nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên không chỉ do yếu tố chủ quan như tuổi tác mà còn cả những tác động môi trường sống bên ngoài như đèn nhân tạo bật ban đêm.
Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm mà tất cả phụ nữ trên thế giới đều phải đề phòng. Không có nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến bệnh này, tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, sống tại đô thị cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Phụ nữ mãn kinh thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo như đèn đường, biển quảng cáo,… có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn tới 10%, các nhà nghiên cứu nhận định.
Mặc dù chưa thể đưa ra lời giải thích cho điều này nhưng nhiều nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng ánh sáng nhân tạo có thể cản trở việc sản xuất hoóc-môn melatonin, chất ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. Ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có tới hơn 2 triệu phụ nữ bị ảnh hưởng bởi ung thư vú. Chỉ riêng tại Anh, căn bệnh này là nguyên nhân tử vong của khoảng 11.500 người trong một năm.
Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu so sánh tỷ lệ ung thư vú của gần 200.000 phụ nữ trong suốt 16 năm, cùng với hình ảnh vệ tinh về mức độ ô nhiễm ánh sáng ngoài trời ở xung quanh nơi họ sống. Đa số các nghiên cứu trước đây, cụ thể là tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ chỉ đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn ở những phụ nữ đã mãn kinh, mà rất hiếm khi xem xét vấn đề tác động của môi trường sống.
Tiến sĩ Rena Jones, cho biết: “Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào tác động chủ quan, còn chúng tôi chú ý tới một nguyên nhân phơi nhiễm khách quan là ánh sáng nhân tạo vào ban đêm. Bằng cách sử dụng kết hợp các biện pháp khách quan như bảng hỏi được thiết lập chi tiết và thiết bị đo lường cá nhân, những nghiên cứu trong tương lai sẽ có thể xác định chính xác tác động của việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm tới từng cá nhân”.
Nghiên cứu này chỉ được nhận định bằng phương pháp quan sát đánh giá nên không đưa ra được lời giải thích cho mối liên hệ giữa tiếp xúc ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Một số nghiên cứu trước đây đã nhận xét rằng ánh sáng nhân tạo có thể ức chế việc sản xuất melatonin. Đây là chất tham gia vào việc kiểm soát cơ thể phục hồi trong khi ngủ và giúp điều chỉnh dự đoán về buổi tối. Thử nghiệm đã phát hiện ra rằng melatonin có thể ngăn ngừa khối u phát triển trong cơ thể. Các nhà khoa học cho biết, ánh sáng nhân tạo có thể gây gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, do đó làm giảm lượng melatonin mà cơ thể tạo ra.
Các nhà nghiên cứu từ NIH nhấn mạnh tuổi tác không phải yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú duy nhất mà còn rất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nguy cơ mắc ung thư vú có thể khác nhau tùy theo thói quen, lối sống của từng người như hút thuốc, uống rượu, chất lượng giấc ngủ, chỉ số khối cơ thể hoặc môi trường sống. Môi trường ô nhiễm đặc biệt có hại cho sức khỏe nên nó đã trở thành yếu tố gây ung thư.
Nghiên cứu ở Hàn Quốc được công bố trên Tạp chí Khoa học cho thấy nồng độ chất ô nhiễm trong không khí xung quanh môi trường sống có liên quan đáng kể với tỷ lệ mắc ung thư vú. Các chất ô nhiễm bao gồm carbon monoxide (tăng 8% nguy cơ bị ung thư), nitơ dioxide (14%), sulfur dioxide (4%) và các hạt bụi siêu mịn PM10 (13%).
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Exeter và Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona cho thấy đèn đường LED kiểu mới có khả năng gây ung thư cao hơn so với đèn vàng kiểu cũ. Nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc nhiều với đèn LED có thể tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt và gấp 5 lần với ung thư vú. Tuy nhiên một bài báo trên Tạp chí Ung thư nhận định nguy cơ ung thư không xuất hiện ở ánh đèn trong nhà.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư cũng đánh giá lượng ánh sáng nhân tạo mà một người sử dụng trong phòng ngủ của họ bằng phương pháp sử dụng bảng hỏi để thu thập dữ liệu về hơn 100.000 người Anh. Sau khi tổng hợp kết quả, nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa mức độ ánh sáng trong nhà vào ban đêm với tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Hương Giang (theo: dailymail)