Hôm 6-7, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng thoái hóa đất, săn bắt động vật hoang dã, thâm canh và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nhiều căn bệnh truyền từ động vật sang người như COVID-19.
COVID-19 do virus Corona chủng mới gây ra, nhiều khả năng bắt nguồn từ loài dơi, đã lây nhiễm cho hơn 11,7 triệu người trên toàn cầu với trên 540.000 ca tử vong. Đây chỉ là một trong số hơn 200 bệnh mà virus đã nhảy từ vật chủ sang người trong những năm gần đây, bao gồm Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), bệnh sốt Tây sông Nile, Zika, Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) và sốt thung lũng Rift.
Sinovac bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine phòng COVID-19
Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 6-7 thông báo bắt đầu giai đoạn III thử nghiệm vaccine tiềm năng của công ty này tại Brazil, theo đó Sinovac trở thành một trong ba công ty bước sang các giai đoạn thử nghiệm cuối trong cuộc đua toàn cầu phát triển vaccine phòng COVID-19.
Đến nay, ngoài vaccine của Sinovac, chỉ có vaccine thử nghiệm của hãng dược phẩm AstraZeneca, do các nhà nghiên cứu Đại học Oxford (Anh) phát triển và vaccine của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) là các “ứng viên” bước vào thử nghiệm giai đoạn III.
Trước khi bùng phát dịch COVID-19, mỗi năm có 2 triệu người, chủ yếu ở những nước đang phát triển, thiệt mạng vì những bệnh như thế. Những trận dịch này không chỉ gây chết chóc mà còn kéo theo những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho một số quốc gia nghèo nhất thế giới. Chỉ trong 2 thập niên qua, các bệnh lây truyền qua động vật đã làm hao tốn hơn 100 tỉ USD, trong khi tổn thất do COVID-19 gây ra dự báo lên tới 9.000 tỉ USD trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thế giới đang “điều trị” những triệu chứng kinh tế và sức khỏe của COVID-19, chứ không phải nguyên nhân môi trường. “Khoa học nêu rõ rằng nếu tiếp tục săn bắt động vật hoang dã và phá hủy các hệ sinh thái, chúng ta có thể sẽ còn chứng kiến nhiều bệnh lây từ động vật sang người xuất hiện trong tương lai” – Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), chia sẻ. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hàng năm trên toàn cầu có khoảng 1 tỉ ca bệnh truyền nhiễm, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, trong đó bệnh có nguồn gốc động vật chiếm khoảng 60%. Trong hơn 30 bệnh truyền nhiễm ở người mới xuất hiện trong 3 thập niên gần đây thì 75% có nguồn gốc từ động vật. Theo bà Andersen, nguyên nhân chủ yếu là do mức độ tương tác ngày càng lớn giữa con người, động vật và môi trường.
Động vật hoang dã và vật nuôi bị cho là ổ chứa phần lớn virus lây nhiễm sang người. Báo cáo của UNEP và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế cũng chỉ ra 7 xu hướng chịu trách nhiệm cho những căn bệnh lây truyền qua động vật, trong đó có nhu cầu prôtêin động vật ngày càng cao, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đô thị hóa, canh tác không bền vững, vận tải và đi lại tăng… Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 tỉ người lên 9,7 tỉ người vào giữa thế kỷ này. Báo cáo mới cũng lưu ý nhiều khu vực và quốc gia còn chần chừ tuyên bố dịch bệnh vì lo sợ gây thiệt hại thương mại.
Tài liệu nói trên là lời cảnh báo mới nhất, kêu gọi chính phủ các nước phải kiềm chế tình trạng tàn phá thế giới tự nhiên để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai. Hồi tháng 6, LHQ đã gọi COVID-19 là một tín hiệu cầu cứu, 2 tháng sau khi các chuyên gia về đa dạng sinh học lo ngại sẽ có thêm nhiều bệnh chết chóc bùng phát nếu thiên nhiên không được bảo vệ.