Khi Danny Lau mở cửa lại nhà máy sản xuất tấm nhôm của mình tại Đông Quan, một tỉnh phía Nam Trung Quốc vào cuối tuần trước, chỉ chưa tới 1/3 trong số 200 công nhân có thể đi làm.
Nguyên nhân bởi đa phần người lao động có quê nhà tại các tỉnh trung tâm phía Tây, bao gồm cả Hồ Bắc, khu vực đang bùng phát dịch bệnh khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Cư dân tại các địa phương này bị cấm đi lại để ngăn chặn sự lây lan.
Nhà máy của Danny Lau vốn đã chịu thiệt hại khi Mỹ đánh thuế 25% đối với sản phẩm nhôm từ Trung Quốc. Hiện tại, việc sản xuất đình trệ khiến các khách hàng Mỹ có thêm lý do để ngừng đặt hàng và tìm tới các nhà sản xuất tại Ðông Nam Á.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và mới đây là dịch cúm Covid-19 đã tạo “cơn lốc xoáy” càn quét các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn Trung Quốc, trong khi khu vực này được đánh giá là “trái tim” của nền kinh tế.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 99,8% số công ty đăng ký tại Ðại lục, đang tạo việc làm cho 79,4% lực lượng lao động, đóng góp hơn 60% GDP và 50% doanh thu thuế cho Nhà nước.
Những công ty như của Danny Lau vẫn là trường hợp may mắn khi còn có thể mở cửa hoạt động trở lại, trong bối cảnh nhiều nhà máy duy trì tình trạng ngừng sản xuất vì dịch bệnh và chỉ còn biết cầu mong tình hình sớm được kiểm soát.
85% trong số 1.506 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cuộc khảo sát đầu tháng 2/2020 cho biết, họ sẽ hết tiền trong 3 tháng tới, theo báo cáo của Ðại học Thanh Hoa và Ðại học Bắc Kinh.
1/3 trong số đó khẳng định, dịch bệnh sẽ khiến doanh thu của công ty trong năm 2020 giảm hơn 50%.
“Ða phần doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc hoạt động dựa vào doanh thu bán hàng, khi thiếu đi các nguồn huy động vốn so với công ty lớn hay doanh nghiệp nhà nước”, Zhu Wuxiang, giáo sư Trường Kinh tế và Quản trị, Ðại học Thanh Hoa, đồng thời là người đứng đầu báo cáo kể trên nói và cho biết thêm, tình hình dịch bệnh càng kéo dài, tình trạng thiếu tiền hoạt động của nhóm doanh nghiệp này càng trầm trọng.
Chưa kể, trước đó, các doanh nghiệp đã phải đối diện với rủi ro phá sản lớn khi chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Theo ước tính của Nomura, tính tới đầu tuần trước, mới có khoảng 25% người lao động quay trở lại làm việc tại các thành phố cấp 1 ở Trung Quốc, so với tỷ lệ 93% cùng thời gian năm 2019.
Trong bối cảnh khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lao đao.
Chẳng hạn, nhà máy sản xuất túi xách xuất khẩu của Richard Leung buộc phải đóng cửa chỉ sau 2 này hoạt động trở lại.
Nguyên nhân là chính quyền địa phương xác nhận có 2 ca nhiễm bệnh tại thị trấn lân cận. Tình trạng này khiến các công nhân không thể ra vào khu vực.
Nhà máy phải đóng cửa, nhưng Richard Leung vẫn phải chi trả các khoản chi phí cho đời sống cá nhân và bữa ăn cho hơn 100 nhân công đã quay lại làm việc.
Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới, tình trạng hiện tại vẫn khiến công ty của vị doanh nhân này chịu thiệt hại 30-40% doanh thu trong năm nay.
“Chính phủ cần ra tay hỗ trợ doanh nghiệp. Chi phí ở mức rất cao và chúng tôi không thể chi trả nổi”, Richard Leung nói.
Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ôn Châu nhận định, tình trạng khủng hoảng hiện tại còn tồi tệ hơn cả khi dịch SARS diễn ra, thậm chí trầm trọng nhất trong hơn 40 năm qua, kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách nền kinh tế cho tới nay.
Trong khi đó, Wang Dan, chiến lược gia tại Economist Intelligence Unit ước tính, dịch bệnh có thể khiến 4,5 triệu việc làm biến mất trong năm 2020, tương đương 75% số lượng việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ðiều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm gần 1%.