Ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ, nguy cơ mắc ung thư vú ở người cao tuổi cao hơn. Tuy nhiên, ung thư vú ngày càng trẻ hóa.
Trẻ tuổi đã mắc ung thư vú
Chị Nguyễn Thị Nh. – Hiệp Hòa, Bắc Giang bị ung thư vú 2 năm trước. Vừa học xong cao đẳng, bạn bè đang chuẩn bị đi tìm việc, thì Nh. lại phải vào Bệnh viện K điều trị ung thư vú.
Ban đầu, Nh. thấy ngực có u cục lạ, không đau. Nh. đi khám bác sĩ cho biết u xơ nên về nhà không điều trị gì. 5 tháng sau, u cục vẫn to, rắn chắc và không đau. Nh. lên mạng tìm hiểu nhưng nghĩ có thể là bệnh gì đó và không bao giờ nghĩ ung thư.
Sau đó, Nh. đến bệnh viện K khám, chị dần hiểu ra bệnh của mình đã nặng và không chỉ là u bình thường. Cô được bác sĩ cho về hẹn ngày quay lại lấy kết quả sinh thiết và bác sĩ dặn khi đi nên có bố mẹ đi cùng.
Ngày lấy kết quả, Nh. chết điếng vì bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư vú thể carcinoma thể ống xâm nhập độ II. Nh. không thể phẫu thuật bảo tồn được vì khối u đã xâm nhập nên phải cắt bỏ 1 bên vú kèm theo điều trị hóa chất, nội tiết. Nh. hi vọng cô có thể sống chung với bệnh của mình thật lâu.
TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương cho biết ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, nước ta có gần 165.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.000 người mắc chiếm tỷ lệ 9,2%. Cũng trong năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 6.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Đặc biệt, ung thư vú ngày càng trẻ hóa. TS Huyền cho biết thông thường trên thế giới ghi nhận bệnh nhân ung thư vú từ 55 đến 56 tuổi thì ở Việt Nam tuổi mắc ung thư vú là 46 – 47 tuổi. Bệnh viện K trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân 21, 26 tuổi đã bị mắc ung thư vú.
Khi nào cần sàng lọc
TS Huyền khuyến cáo phụ nữ sau 40 tuổi cần khám sàng lọc ung thư vú.
Phụ nữ có thể đến cơ sở y tế khám phát hiện sớm để chữa được ung thư vú khỏi hoàn toàn. Ngoài ra khi nghi ngờ ung thư vú dù ở lứa tuổi nào cũng phải đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị. Ngoài ra những người nào có yếu tố gia đình có người mắc ung thư vú cần khám sàng lọc sớm hơn.
Theo nghiên cứu, có khoảng 5-7% các trường hợp ung thư vú do các đột biến gen được truyền từ cha mẹ sang con cái. Các đột biến gen BRCA1/2 di truyền này gặp cả ở nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.
Những đột biến di truyền này có từ ngay khi sinh ra, và chúng ta không thay đổi được nó. Ngoài gen BRCA, thì còn một số đột biến gen khác nữa (p53, PTEN…) cũng tác động vào quá trình hình thành khối u tuyến vú. Vì vậy những người có mẹ, chị, em bị ung thư vú cần sàng lọc ung thư vú sớm hơn.
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Các phương pháp này thường được các bác sỹ cân nhắc kỹ, có thể phối hợp nhiều phương pháp với nhau điều trị trên một bệnh nhân tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe … và cả mong muốn của người bệnh.
TS Huyền cho biết việc điều trị nội tiết thường được chỉ định cho bệnh nhân dưới 40 tuổi. Sau khi điều trị bằng hóa trị, phẫu thuật, xạ trị thì bệnh nhân được điều trị bằng liệu trình nội tiết bổ trợ (tối thiểu 5 năm) hoặc 10 năm. Với phụ nữ trẻ mắc ung thư với mong muốn có con thì bác sĩ khuyên kết thúc liệu trình điều trị tối thiểu 5 năm. Bệnh nhân kết thúc điều trị nội tiết sau 2 tháng mà chức năng buồng trứng tốt thì có thể mang thai, sinh con.
Trong quá trình điều trị nội tiết bệnh nhân phải dùng biện pháp tránh thai còn sau điều trị nội tiết thì việc muốn có thai cần sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ Huyền cũng cho biết thêm quá trình hóa trị thì có rối loạn nội tiết có ảnh hưởng tạm thời như rối loạn kinh nguyệt.
Khánh Chi