Muốn chăm sóc tốt cho bệnh nhân bị ung thư, phải hiểu rõ về tâm lý của người bị bệnh ung thư.
Thường bệnh nhân sẽ có những phản ứng về tâm lý khi phát hiện bệnh ung thư:
- Phủ nhận – Phẫn nộ – Thương lượng – Trầm cảm – Chấp nhận.
- Giai đoạn đi gặp bác sĩ tư vấn:
Nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đến ung thư, nhắc đến ung thư là mất ăn mất ngủ, bị hoang mang vì quá nhiều thông tin từ sách báo, từ người thân, bệnh nhân vừa lo âu, vừa hy vọng việc điều trị có kết quả tốt.
- Giai đoạn chẩn đoán bệnh: Khi biết mình bị ung thư, bệnh nhân thường có phản ứng choáng váng, mất lòng tin, thất vọng và chán chường.
- Khi nghe đến phẫu thuật bệnh nhân sợ hãi hoặc lo ngại, hoặc có tư tưởng rất sai lầm là: “ung thư mà đụng đến dao kéo là chết”.
- Hóa trị: Hiện nay nỗi sợ điều trị hóa chất cùng với tác dụng phụ của nó còn hơn cả nỗi sợ ung thư
- Xạ trị: Bệnh nhân có cảm giác sợ khi phải đối diện với máy móc và các tác dụng phụ, lo sợ tia phóng xạ.
- Giai đoạn cuối: Hầu hết bệnh nhân ý thức được tiến trình bất khả kháng của bệnh tật ở giai đoạn cuối, một số người phải đi khám tâm lý và điều trị hỗ trợ đúng lúc.
Vào giai đoạn muộn, bệnh nhân thường lo lắng sẽ không được sự quan tâm đặc biệt của các nhân viên y tế. Lo lắng về biến dạng cơ thể và mất phẩm giá; sợ đau; sợ bỏ dở công việc chưa hoàn thành.
Trong chăm sóc bệnh nhân ung thư, vai trò của người điều dưỡng cũng quan trọng không kém vai trò của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Điều dưỡng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, bác sĩ có thể gặp bệnh nhân trong 15 phút lúc khám bệnh, nhưng điều dưỡng là người luôn bên cạnh trong lúc truyền thuốc, thời gian tiếp xúc nhiều hơn, là người bệnh nhân có thể chia sẻ mọi suy nghĩ, là người lắng nghe mọi ưu phiền, là người bệnh nhân có thể xin ý kiến trong mọi trường hợp.
Do đó, người điều dưỡng phải nắm bắt được tâm lý của từng bệnh nhân, tùy tình huống mà tư vấn, nói chuyện. Người điều dưỡng tập trung khuyến khích người bệnh xây dựng ý thức tự kiểm soát, nhận biết và đương đầu với những căng thẳng về tâm lý hoặc xã hội.
Điều dưỡng phải có kiến thức về bệnh học, dược học. Trong quá trình điều trị người điều dưỡng phải biết từng giai đoạn bệnh để giải thích cho bệnh nhân, hướng dẫn họ theo đúng phác đồ.
Về dinh dưỡng: điều dưỡng phải có kiến thức về chế độ dinh dưỡng để hướng dẫn cho bệnh nhân về chế độ ăn uống phù hợp, cách chăm sóc bệnh nhân sau khi hóa trị và xử trí với các phản ứng phụ xảy ra.
Về tâm lý: chú ý tâm lý của bệnh nhân trong khi điều trị, điều này cũng góp phần lớn trong quá trình điều trị, có thể cần hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.
Theo dõi bệnh nhân: điều dưỡng nên lưu ý lịch hẹn của bệnh nhân để nhắc bệnh nhân tuân thủ quy trình điều trị, cho bệnh nhân thông tin để liên lạc khi cần thiết.