Khối u không đau ở ngực, thường xuyên ngứa rát quanh núm vú, da trên vú sưng và dày lên có thể là dấu hiệu ung thư vú.
Chuyên gia ung thư See Hui Ti, Trung tâm ung thư PCC, cho biết ung thư vú là một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất thuộc nhóm tuổi từ 55 đến 59. Tác nhân gây ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ ràng, thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư vú, có kinh nguyệt sớm… Nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo tuổi tác.
Ảnh minh họa: Womenhealth. |
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú gồm khối u không đau ở ngực, thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú, núm vú rỉ máu hoặc tiết dịch bất thường, làn da trên vú bị sưng và dày lên, làn da trên vú bị lún đồng tiền hoặc có nếp gấp, núm vú bị co kéo, sưng hạch nách.
Để phát hiện sớm ung thư vú, bác sĩ See khuyến cáo phụ nữ dưới 30 tuổi nên tự khám vú hàng tháng, chụp nhũ ảnh tầm soát cơ bản. Từ 40 đến 49 tuổi nên tự khám vú hàng tháng, chụp nhũ ảnh tầm soát hàng năm. Trên 50 tuổi cần tự khám vú hàng tháng, chụp nhũ ảnh tầm soát mỗi 6 tháng.
Ung thư vú có thể bằng xét nghiệm lâm sàng thấy có cục cứng ở vú, tiết dịch núm vú hoặc thay đổi bất thường ở vú. Chụp quang tuyến vú cũng có thể phát hiện những thay đổi bất thường về mật độ hoặc vôi hóa. Siêu âm được sử dụng khi không thể thấy rõ các bất thường trên ảnh quang tuyến, nhờ đó phân biệt được là khối u rắn (ung thư) hay u nang chứa đầy dịch (không phải ung thư). Chụp cộng hưởng từ (MRI) đặc biệt hữu ích cho những phụ nữ trẻ có mật độ mô tuyến vú cao mà các cách kiểm tra hình ảnh thông thường ít chính xác hơn. Dù vậy, để chẩn đoán khẳng định ung thư vú cần phải tiến hành sinh thiết.
Tùy vào tình trạng bệnh và thể chất của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau:
– Phẫu thuật bảo toàn vú: Loại bỏ khối u ung thư và một số lượng nhỏ các mô xung quanh.
– Cắt bỏ 1/4 vú, gồm khối u ung thư và các mô xung quanh.
– Phẫu thuật cắt bỏ vú: Cắt bỏ toàn bộ vú. Một số hạch bạch huyết dưới nách cùng bên vú cũng được lấy ra để kiểm tra.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Trong một số trường hợp, xạ trị được sử dụng để điều trị thành ngực và các hạch bạch huyết ở nách nếu nhận thấy nguy cơ tái phát cao.
Bệnh nhân ung thư vú cũng cần điều trị toàn thân như hóa trị, điều trị nội tiết tố, thuốc. Các bước hỗ trợ phục hồi chức năng thể chất sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Người bệnh cần được hướng dẫn các bài tập vai sau khi phẫu thuật, chăm sóc cánh tay để tránh phù bạch huyết, cân bằng chế độ dinh dưỡng và thích ứng với lối sống để phục hồi nhanh. Các bước phục hồi chức năng tinh thần bao gồm hỗ trợ bệnh nhân gần gũi vợ chồng, gia đình, bạn bè và hoà nhập xã hội. Bệnh nhân cần được tái khám thường xuyên.
Thi Trân
(http://suckhoe.vnexpress.net)