Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính của dạ dày. Trên toàn thế giới, ung thư dạ dày là nguyên nhân thứ hai gây ra các ca tử vong do ung thư ở cả nam giới và nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Theo ghi nhận của Tổ chức Phòng chống Ung thư thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15000 đến 20000 bệnh nhân mới mắc ung thư dạ dày.
Nguyên nhân gây ra?
Hiện nay, các nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, đã xác định được các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm:
Chế độ ăn uống nhiều thức ăn hun khói và mặn
Chế độ ăn uống ít trái cây và rau
Tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày
Viêm dạ dày mãn tính, trong đó đề cập đến một tình trạng viêm dạ dày lâu dài
Thiếu máu ác tính, đó là sự sụt giảm các tế bào hồng cầu xảy ra khi ruột không thể hấp thụ vitamin B12 một cách bình thường
Hút thuốc
Các triệu chứng của ung thư dạ dày?
Ung thư dạ dày ít có hoặc hầu như không có triệu chứng trong các giai đoạn đầu, điều này gây khó khăn cho việc phát hiện sớm bệnh.
Bệnh nhân có thể bị mất cảm giác ngon miệng, sụt cân không giải thích được và đau bụng mãn tính. Tuy nhiên, dấu hiệu đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa (đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên) rất phổ biến và có thể gặp trong các bệnh thông thường như trào ngược acid hoặc viêm dạ dày. Do vậy, nhiều người ngay cả các bác sĩ, có thể không ngay lập tức nghi ngờ đó là các dấu hiệu của ung thư dạ dày. Đây chính là lý do tại sao ung thư dạ dày thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Ung thư dạ dày được chẩn đoán ra sao?
Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư dạ dày bao gồm:
Nội soi dạ dày – Đây là xét nghiệm phải được thực hiện khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư dạ dày. Trong xét nghiệm này, bác sĩ đặt một ống nội soi (một ống mềm dài với một máy ảnh và đèn sáng ở cuối ống) vào miệng và xuống dạ dày cho phép họ có thể nhìn được vào bên trong dạ dày.
Sinh thiết – Xét nghiệm này được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Trong sinh thiết, Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ một vùng nghi ngờ bất thường của dạ dày, và sau đó một bác sĩ khác quan sát các tế bào dưới kính hiển vi.
Các kiểm tra hình ảnh của dạ dày – Các kiểm tra hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT tạo ra các hình ảnh bên trong của cơ thể để xem ung thư đã lan rộng ra những nơi khác hay chưa.
Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Điều này có thể được thực hiện theo những cách khác nhau, bao gồm cả các kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm trên mẫu sinh thiết của dạ dày và các xét nghiệm khác.
(*) Những xét nghiệm có thể được thực hiện dựa theo độ tuổi, tình trạng bệnh sử cá nhân và gia đình theo chỉ định của bác sĩ.
Ung thư dạ dày được điều trị ra sao?
Ung thư dạ dày thường được điều trị với một hoặc nhiều cách sau đây:
Phẫu thuật – Đây là phương pháp hiệu quả duy nhất để chữa khỏi ung thư dạ dày. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Xạ trị - Sau khi phẫu thuật, xạ trị có thể được tiến hành cùng với hóa trị để tiêu diệt các tàn dư rất nhỏ của ung thư mà không thể nhìn thấy và loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Ở những bệnh nhân ung thư dạ dày nặng, xạ trị có thể hữu ích để giảm tắc nghẽn dạ dày.
Hóa trị - Hóa trị sử dụng các loại thuốc để giúp tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước của khối u. Nó có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng hoặc kéo dài cuộc sống cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày nặng mà không thể phẫu thuật được.
Liệu pháp nhắm trúng đích – Các thuốc điều trị nhắm trúng đích tấn công các tế bào ung thư mà ít gây ra thiệt hại cho các tế bào lành.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư dạ dày?
Mặc dù các nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày là chưa biết, có những bước chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Trong thực tế, ở nhiều nước phát triển, nơi mà có thể dùng tủ lạnh để giúp lưu trữ thực phẩm tươi, hạn chế dùng thực phẩm bảo quản muối, tỷ lệ ung thư dạ dày đã giảm đáng kể trong những năm qua.
Đây là điều bạn có thể làm để hạn chế các nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày:
Ăn nhiều trái cây và rau
Giảm ăn các thực phẩm hun khói và muối
Ngừng hút thuốc lá
Biết tiền sử bệnh lý của bạn và làm nội soi dạ dày thường xuyên nếu bạn bị một tiền sử nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
No posts were found!
Sorry, but nothing matched your search terms. Please try again with some different keywords