Định nghĩa Ung Thư Gan
Ung thư gan xếp hàng thứ tư về trong các loại ung thư tại Việt Nam. Gan là cơ quan lớn nằm ở phía trên phần bên phải bụng. Gan có vai trò quan trọng và có nhiều chức năng như:
- Sản xuất dịch mật giúp tiêu hóa mỡ ở ruột
- Tổng hợp chất đạm
- Dự trữ đường và chất béo
- Phân hủy các chất độc hại như rượu
Ung thư gan, còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), bắt đầu trong các tế bào gan. Ung thư gan chỉ phát triển khi gan bị tổn thương lâu ngày do bệnh hoặc hóa chất. Gan trở nên cứng và co lại – tình trạng này được gọi là xơ gan. Khi khối u ung thư gan nhỏ (đường kính < 5 cm), thường không có triệu chứng vì gan là cơ quan to lớn. Khi khối u phát triển lớn và xâm lấn hơn, ung thư gan có thể xâm nhập nhu mô gan hoặc làm tắt nghẽn ống mật. Ở giai đoạn này, triệu chứng bắt đầu. Ung thư gan có thể tạo nhiều khối u nhỏ nằm bên trong gan và xâm lấn đến các mạch máu, gây khó khăn cho phẫu thuật loại bỏ ung thư.
Dấu hiệu và Triệu chứng Ung Thư Gan?
Dấu hiệu và triệu chứng ung thư gan thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn:
- Biếng ăn, sút cân và mệt mỏi / suy nhược toàn thân là dấu hiệu thường gặp.
- Khi khối u phát triển to, bệnh nhân cảm thấy đau kéo dài hoặc sờ thấy khối u phía trên bên phải bụng.
- Vòng bụng tăng do sưng gan hoặc trướng bụng (tụ dịch trong màng bụng)
- Vàng da
- Thay đổi hoàn toàn thể trạng bệnh nhân do viêm gan mạn tính hay xơ gan.
- Buồn nôn và ói mửa
Nguy Cơ Ung Thư?
Nguy cơ ung thư gan tựa như nguy cơ xơ gan:
- Viêm gan siêu vi B & C mạn tính
Khoảng 10% bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B có nguy cơ ung thư gan cao. Người được xem là mang mầm bệnh khi có xét nghiệm viêm gan siêu vi B (HBSAg) dương tính. Nhiễm viêm gan siêu vi C cũng có thể đưa đến ung thư gan.
- Béo phì
- Tiền sử gia đình có ung thư gan
- Rượu: Uống rượu nhiều dẫn đến xơ gan và nguy cơ bị ung thư gan.
- Aflatoxin: Chất độc hại do một loại nấm từ đậu phụng và các loại hạt bị mốc gây ra.
- Hóa chất như nitrites, hydrocarbons, dung môi, vinyl chloride là tác nhân gây ung thư dẫn đến ung thư gan.
- Bệnh di truyền gây xơ gan như bệnh Haemochromatosis (ứ sắt), bệnh Wilson.
Ung thư Gan được chẩn đoán như thế nào?
Các xét nghiệm quan trọng sau đây có thể giúp chẩn đoán ung thư gan:
- Xét nghiệm máu AFP: Xét nghiệm này thường có kết quả cao trên bệnh nhân ung thư, nhưng không phải tất cả các trường hợp bệnh ung thư gan đều có AFP tăng cao.
- Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT & MRI để xác nhận có ung thư và mức độ xâm lấn của ung thư gan.
- Xét nghiệm xâm lấn như chụp động mạch dùng để kiểm tra lưu lượng máu đến tế bào ung thư, để nghiên cứu tính khả thi của phẫu thuật.
- Sinh thiết tế bào ung thư gan: Một mẫu tế bào ung thư được lấy ra, sau đó quan sát dưới kính hiển vi để xác nhận ung thư.
Gói khám tầm soát ung thư Gan
Gói tầm soát ung thư gan | Liver Cancer Screening |
1. Khám lâm sàng | 1. Doctor Consultation |
2. Các xét nghiệm | 2. Laboratories/ Tumor marker |
Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) | Hepatitis B antigen |
Kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb) | Hepatitis B antibodies |
Kháng thể viêm gan siêu vi C (HCVAb) | Hepatitis C antibodies |
Định lượng AFP | AFP |
3. Các khảo sát | 3. Imaging Service |
Siêu âm bụng | Abdominal Ultrasound |
Điều Trị Ung Thư Gan
Ung thư gan được chữa lành nếu khối u nhỏ (đường kính < 5 cm), đơn độc và chức năng gan vẫn tốt. Chỉ 10% ung thư gan nằm trong diện này. Nếu phẫu thuật điều trị lấy hết khối u gam, tỷ lệ sống 5 năm là khoảng 40%. Trường hợp không phẫu thuật được, rất hiếm bệnh nhân sống hơn 2 năm.
Phẫu thuật được thực hiện để cắt bỏ phần gan có tế bào ung thư đến bờ tế bào gan bình thường. Phẫu thuật thường là cắt bỏ một thùy gan. Tuy là một phẫu thuật lớn nhưng nguy cơ biến chứng và tử vong rất thấp. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ gan và ghép gan hiện thường không được thực hiện trong nhiều trường hợp do kết quả không đạt, thường tái phát, chi phí cao và không có người hiến gan.
Hóa trị là cách dùng thuốc gây độc tế bào (hay còn được gọi là hóa chất) để tiêu diệt tế bào ung thư. Vai trò hóa trị bị giới hạn trong điều trị ung thư gan vì tế bào ung thư gan thường đề kháng hóa trị. Có hai nhóm bệnh nhân có thể hóa trị:
- Sau phẫu thuật bóc tách tế bào ung thư gan
- Không điều trị được bằng phẫu thuật.
Xạ trị có thể được dùng kết hợp với hóa trị trên một số trường hợp bệnh nhân không phẫu thuật được. Tuy nhiên, xạ trị ít khi được dùng để tiêu diệt khối u gan, mà thường dùng để làm giảm nhẹ các vấn đề do khối u gan gây ra, chẳng hạn như chảy máu, giảm đau trên vùng xương bị di căn…
Ngoài ra, còn có một số các phương thức điều trị khác mà bác sĩ sẽ tư vấn kỹ cho từng trường hợp cụ thể.
Phòng ngừa Ung Thư Gan:
- Chích ngừa viêm gan siêu vi B
- Tránh tiếp xúc với tác nhân gây ung thư gan, đặc biệt là rượu và thuốc lá.
- Tránh ăn nhiều thịt và mỡ động vật. Tránh các loại đậu, hạt có nấm mốc.
- Tầm soát định kỳ nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao.