Ung thư luôn là một căn bệnh khiến tất cả mọi người lo lắng vì những hệ lụy mà nó mang lại. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu và với bất kỳ ai mà chúng ta khó có thể lường trước. Đối với cô giáo Nga Sơn tại tỉnh Quảng Ninh, một người luôn có một cuộc sống lành mạnh nhưng không ngờ căn bệnh hiểm nghèo này lại đến với bản thân.
Câu chuyện của nữ giáo viên tỉnh Quảng Ninh
Cô giáo Nga Sơn chưa bao giờ nghĩ ung thư sẽ ập đến với mình khi bản thân luôn duy trì lối sống vô cùng lành mạnh. Mái tóc dày dặn, gương mặt rạng ngời, tươi trẻ, không ai nghĩ chị Lê Thị Nga Sơn đã có 8 năm chiến đấu với ung thư vú.
Chị Sơn là giáo viên dạy hóa cấp 3 tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Chị chia sẻ, bản thân là người có lối sống lành mạnh, yêu thể thao, hầu như ngày nào cũng chơi cầu lông hoặc đi bơi.
Một buổi tối khi đang nằm sấp để giãn cơ lưng, chị Sơn bất ngờ thấy ngực phải đau nhói. Khi đến Bệnh viện K thăm khám, chị được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2B, chỉ định phẫu thuật, hóa trị và xạ trị kết hợp.
“Nghe bác sĩ thông báo, tôi rất sốc, chân không đứng vững. Trong đầu tự đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao lại là mình, mình sống lành mạnh vậy cơ mà. Công việc đang ở độ chín, con cái còn quá nhỏ, mình mới 35 tuổi và đang còn quá trẻ, bao nhiêu dự định còn ở phía trước”, chị Sơn nhớ lại.
Thời điểm chị biết mình mắc ung thư, cô con gái lớn mới 10 tuổi, con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi. “Từ khi biết tin đến mấy tháng sau, không khí trong nhà tôi lúc nào cũng như đưa đám, nặng nề vô cùng. Tôi quyết định xin nghỉ việc để bắt đầu hành trình điều trị”, chị Sơn chia sẻ.
Quá trình điều trị ung thư của cô Nga Sơn
Tuy suy sụp về tinh thần nhưng cô giáo Nga Sơn không hề bỏ cuộc và tiến hành quá trình điều trị ung thư của mình. Thật tốt vì cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười với nữ giáo viên trẻ tuổi với quyết tâm và tinh thần “thép”.
Giai đoạn vô hóa chất
Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng khi chính thức truyền mũi hóa chất đầu tiên, chị Sơn thấy mọi thứ kinh khủng hơn tưởng tượng của mình rất nhiều. Trong tuần đầu tiên, chị ngửi mùi gì cũng buồn nôn, ăn gì nôn ấy, mất hoàn toàn vị giác, mỗi ngày chị chỉ chan nước rau luộc với cơm để cầm cự.
“Tâm trạng tôi khi đó rất tệ, đã nhiều lần muốn bỏ cuộc vì không thể chịu được nổi. Nhưng rồi nghĩ đến con và vào viện thấy nhiều chị em mắc ung thư vú nhưng vẫn sống tốt sau nhiều năm nên mình dần có thêm động lực để vực dậy bản thân”, chị Sơn kể lại.
Sau hóa trị 15 ngày, tóc chị Sơn bắt đầu rụng lả tả, thậm chí mỗi sáng thức dậy chị không dám nhìn xuống gối. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng chị vẫn rất sốc. Ngày thứ 20 sau mũi hóa trị đầu tiên, chị nhờ chồng cạo trọc đầu. Tóc rơi đến đâu, nước mắt chị rơi đến đó. Hàng ngày, để đỡ tự ti, chị đội bộ tóc giả giống y hệt tóc cũ của mình để mọi người không nhận ra.
Từ mũi hai, cơ thể bắt đầu quen dần với hóa chất nhưng chị cũng mất 7-10 ngày đầu nằm bẹp giường, cơ thể không buồn nhúc nhích, miệng khô rát do tác dụng phụ. Ròng rã 6 tháng, chị đã trải qua 8 mũi hóa trị, sau đó tiếp tục xạ trị thêm 25 mũi trong 5 tuần liên tục.
Để giữ gìn sức khỏe, chị vẫn tập thể dục nhẹ nhàng và cố gắng ăn thật nhiều bữa nhỏ để cơ thể có đủ dinh dưỡng.
May mắn mỉm cười với chị Sơn
Không phụ công chị kiên cường chiến đấu, kết quả điều trị sau 8 tháng đầu tiên rất tốt, khối u được cắt bỏ, không phát hiện di căn. Từ đó đến nay, chị Sơn đều dặn tái khám, tiêm thuốc nội tiết. Lần khám gần nhất cách đây 1 tháng, bác sĩ thông báo mọi chỉ số đều bình thường.
Qua câu chuyện của mình, chị Sơn mong muốn mọi phụ nữ hãy yêu thương cơ thể mình nhiều hơn, quan tâm đến vòng một của bản thân, chú ý khám tầm soát định kỳ vì tỷ lệ mắc ung thư ngày càng cao. Chúng ta cần phát hiện sớm để tăng khả năng điều trị căn bệnh hiểm nghèo này.
“Mình tự thấy bản thân đã rất chủ quan, dù biết về ung thư vú nhưng nghĩ nó ở ngoài kia, rơi vào ai đó chứ không phải mình. Trong gia đình cũng không có ai mắc ung thư vú nên chưa từng nghĩ phải đi khám tầm soát”, chị Sơn trải lòng.
Chị Sơn chỉ là một trong hơn 1.000 bệnh nhân ung thư vú đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường. Chị cho biết, thành viên chiến đấu với ung thư vú lâu nhất đã trên 20 năm, nhiều người khác vẫn sống tốt sau 10 năm.
“Chúng tôi tự gọi mình là những chiến binh, cựu binh sẽ dìu dắt tân binh để chia sẻ với nhau cả về vật chất và tinh thần, cùng sát cánh bên nhau chiến đấu với bệnh tật”, chị Sơn tâm sự.
Ngoài các câu lạc bộ, bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam cũng được hỗ trợ rất lớn từ Quỹ ung thư Ngày mai tươi sáng. Trong 9 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 28.000 bệnh nhân ung thư nghèo. Với số tiền trên 50 tỷ đồng và đang hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng tiền thuốc cho các bệnh nhân. Trong năm qua, đã có hơn 5.000 phụ nữ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh… được khám sàng lọc ung thư vú miễn phí.
PGS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc BV K Trung ương cho biết: “Bệnh ung thư nói riêng và bệnh tật nói chung nếu được phát hiện càng sớm thì chữa trị càng hiệu quả.”
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng những căn bệnh quái ác có thể đến bất cứ lúc nào và bất kỳ ai. Dù ở đột tuổi nào tỷ lệ mắc các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư vẫn có thể xảy ra. Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyên mỗi người cần sống lành mạnh hơn và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhờ đó, có thể phát hiện và điều trị bệnh tật một cách tốt nhất.